7+ cách gói bánh chưng thơm ngon, đậm đà chuẩn vị Tết

Cách gói bánh chưng
Shopee sale 4.4

Bánh chưng – Món ăn truyền thống và quen thuộc với văn hóa người Việt trong những ngày Tết đến Xuân về. Những chiếc bánh chưng xanh dẻo được gói cẩn thận, chỉn chu đem đến hương vị thơm ngon và đậm đà chuẩn vị ngày Tết. Còn gì tuyệt vời hơn khi được tự tay gói những chiếc bánh chưng vuông vức xinh xắn và quây quần bên gia đình trong những ngày Tết sắp tới. Cùng Shopee Blog tìm hiểu qua 7+ cách gói bánh chưng dẻo thơm qua bài viết ngay bên dưới nhé!

Ý nghĩa của việc gói bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng với hình vuông đặc trưng mang ý nghĩa đại diện cho mặt đất. Dâng bánh chưng trong các lễ cúng ngày Tết nhằm bày tỏ lòng thành, sự biết ơn đến đất trời vì một năm thuận lợi vừa qua trong văn hóa của người Việt. Ngoài ra, bánh chưng còn mang ý nghĩa cho niềm vui sum họp, sự hân hoan mỗi khi ngày Tết đến và là truyền thống tốt đẹp được lưu giữ trong lòng mỗi con người Việt Nam.

Vào những ngày cuối năm, nhà nhà thường sẽ quây quần bên nhau chuẩn bị nguyên liệu để gói những chiếc bánh chưng thơm ngon. Hình ảnh người lau lá, người vo đậu, cùng những chiếc bánh chưng vuông vức và câu chuyện hàn huyên về một năm đã qua là khung cảnh ấm áp, quen thuộc trong trí nhớ mỗi người. Đây cũng là điều khiến cho phong tục gói bánh chưng ngày Tết thêm phần ý nghĩa và rạo rực hơn.

bánh chưng ngày Tết
Ý nghĩa phong tục gói bánh chưng ngày Tết (Nguồn: thuthuatnhanh.com)

Bên cạnh loại bánh vuông vức truyền thống thì các loại bánh chưng ngày Tết còn được biến tấu phù hợp với từng vùng miền khác nhau như:

  • Bánh chưng gù – Đặc sản Hà Giang.
  • Bánh chưng dài – Đặc sản nổi tiếng của người dân miền Tây.
  • Bánh chưng nếp cẩm (hay còn gọi là bánh chưng đen) – Món ăn truyền thống của dân tộc Tày, Lạng Sơn.
  • Bánh chưng nếp nương lá riềng Điện Biên.
  • Bánh chưng cốm.
  • Bánh chưng chay.
Các loại bánh chưng
Các loại bánh chưng Các loại bánh chưng đặc sản của mỗi vùng miền (Nguồn: afamily.vn, Halo Travel, Hà Giang Foods)

Hướng dẫn cách gói bánh chưng chuẩn vị Tết

Theo dòng thời gian, loại bánh dân tộc cũng được biến tấu với nhiều cách gói bánh khác nhau, chẳng hạn như gói bánh chưng bằng khuôn, bằng lá dong hay lá chuối,… Tùy theo nguyên liệu sẵn có và tập tính vùng miền mà bạn có thể lựa chọn cách làm bánh chưng phù hợp. Shopee Blog hướng dẫn bạn những cách gói bánh chuẩn vị Tết ngay sau đây nhé!

Chuẩn bị nguyên liệu

Bước đầu tiên để có được những chiếc bánh chưng thơm ngon và chuẩn vị chính là sự chỉn chu về số lượng nguyên liệu làm bánh chưng. Một số nguyên liệu chính để làm bánh chưng bạn có thể chuẩn bị như sau:

  • Gạo nếp, bạn nên lựa chọn loại gạo nếp cái hoa vàng có hạt bóng mẩy và đều nhau để bánh chưng được dẻo cũng như thơm ngon hơn.
  • Thịt heo ba chỉ.
  • Đậu xanh tách vỏ.
  • Khuôn gói bánh (kích thước khuôn bánh chưng chuẩn là 12×12 cm). Tùy theo kích thước bạn mong muốn mà có thể lựa chọn loại khuôn phù hợp.
  • Lá chuối hoặc lá dong để gói bánh.
  • 1-2 bó dây lạt giang.
  • Gia vị: muối, đường, tiêu.
nguyên liệu gói bánh chưng
Chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng (Nguồn: Halo Travel)

Sơ chế nguyên liệu

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, bạn tiến hành sơ chế từng nguyên liệu theo quy trình như sau:

  • Gạo nếp: Ngâm gạo nếp qua đêm hoặc ngâm nước lạnh 6-8 tiếng trước khi gói bánh, có thể ngâm chung với lá riềng hoặc lá dứa để nếp thơm và có màu xanh đẹp mắt. Sau khi ngâm, bạn đổ nếp ra rổ, để ráo nước. Tiếp đó rắc thêm 1-2 muỗng muối và dùng tay trộn đều nếp.
  • Đậu xanh: Ngâm đậu với nước lạnh trong 2 tiếng. Sau đó vo sạch rồi cho lên nồi, thêm một xíu muối hạt và nấu chín đậu. Tiếp đó đánh nhuyễn rồi nắn thành từng viên nhỏ vừa tay.
  • Thịt heo: Rửa sạch với nước muối loãng và cắt thành từng miếng nhỏ, sau đó ướp thịt với muối, đường và tiêu theo định lượng phù hợp. Điều này sẽ giúp phần thịt có độ mặn ngọt vừa phải, tạo nên sự hòa quyện cùng với độ mềm dẻo của nếp và đậu xanh.
  • Lá chuối và lá dong: Rửa sạch cả hai mặt và để ráo nước. Sau đó dùng dao cắt sống lá, lưu ý là cắt sát vào lá nhưng tránh quá sâu sẽ làm tránh lá bạn nhé!

Hướng dẫn gói bánh chưng ngày Tết

Có rất nhiều cách để bạn có thể gói được những chiếc bánh chưng thơm ngon và đẹp mắt. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về cách gói bánh ngày Tết thì có thể tham khảo qua một số cách làm bánh chưng xanh ngay sau đây nhé!

Cách gói bánh chưng bằng khuôn

Một trong những cách làm bánh chưng đơn giản mà bạn có thể tham khảo qua chính là gói bánh chưng bằng khuôn. Quy trình thực hiện gói bánh chưng bằng khuôn như sau:

Bước 1: Cách xếp lá gói bánh chưng bằng khuôn

Shopee sale 4.4

Trước tiên, bạn gấp đôi 4 lá dong lại theo chiều dọc, tiếp đó gấp tiếp 4 lá theo chiều ngang. Lấy phần lá gập ngang đo sao cho bằng với chiều dài của lòng khuôn và cắt bỏ đi phần lá thừa. Tiếp đó, bạn lấy 2 dây lạt đặt song song, cách nhau tầm 15cm trên một mặt phẳng như bàn, thớt hay nền gạch, sau đó đặt khuôn bánh đã chuẩn bị lên trên hai dây lạt.

Tiến hành gấp đôi lá lại, để mặt bóng hướng úp vào trong và gấp lá thành hình tam giác rồi dùng tay vuốt nhẹ để tạo nếp. Sau đó, mở rộng lá ra, dùng tay trái cố định đầu lá bên trái, dùng ngón tay phải ấn ngược lại đường gấp tam giác ban đầu vào trong, đồng thời di chuyển tay trái cho lá đứng dậy thành hai mặt phẳng vuông góc. Làm tương tự với ba lá tiếp theo xếp vào trong khuôn bánh.

Cuối cùng, bạn lấy các phần đầu lá dong dư thừa được cắt ban đầu xếp vào các phần góc hoặc bên dưới của bánh. Điều này sẽ giúp cho bánh không bị bục và để được lâu ngày. Lưu ý là bạn nên để mặt tối của lá lên trên để có thể tiếp xúc trực tiếp với gạo và giúp bánh có màu xanh đẹp mắt.

cách xếp lá bánh chưng
Hướng dẫn cách xếp lá gói bánh chưng truyền thống bằng khuôn đơn giản (Nguồn: eva.vn)

Bước 2: Thêm nguyên liệu vào khuôn bánh chưng

Ở bước này, bạn cần sử dụng một chiếc chén sạch, múc khoảng một chén đổ vào khuôn bánh và dàn đều dưới đáy khuôn. Tiếp đó lấy một nắm đậu xanh đổ đều lên phần nếp, 1-2 miếng thịt heo và cuối cùng là múc tiếp một chén gạo phủ đều lên trên. Nhớ là dàn đều các nguyên liệu để nhân bánh được hòa quyện tốt nhất nhé!

Cách gói bánh chưng ngày Tết
Cách gói bánh chưng ngày Tết thơm ngon và xanh dẻo (Nguồn: eva.vn)

Bước 3: Tiến hành gói bánh

Khi đã phủ đều các nguyên liệu, bạn đặt một miếng lá nhỏ lên mặt gạo, gấp gọn các lớp lá dong vào với nhau, dùng tay trái nén nhẹ cho lá không xòe ra và tay phải lấy khuôn ra khỏi bánh. Cuối cùng dùng hai dây lạt đã được đặt sẵn ở phía dưới khuôn và buộc bánh lại cẩn thận. Bạn nên nhớ là luôn nén nhẹ bánh và giữ chặt tay trong suốt quá trình gói bánh để bánh không bị bục ra nhé!

Cách làm bánh chưng bằng khuôn
Cách làm bánh chưng bằng khuôn đơn giản (Nguồn: eva.vn)

Bước 4: Luộc bánh

Trước khi luộc bánh, bạn xếp bánh vào nồi theo chiều thẳng đứng, khoảng cách bánh khít vào nhau. Đổ nước ngập bánh rồi bắc bếp lên luộc, luộc liên tục trong khoảng từ 10 – 12 tiếng. Trong quá trình luộc, bạn cần chú ý mực nước thường xuyên để đảm bảo nước trong nồi luôn ngập qua bánh, tránh để cạn nước và cháy.

luộc bánh chưng
Cách luộc bánh chưng thơm dẻo (Nguồn: eva.vn)

Sau khi luộc bánh, bạn vớt ra và thả ngay vào chậu nước lạnh, rửa sạch nhựa xung quanh bề mặt của bánh. Sau khi rửa sạch, bạn để bánh ra chỗ thoáng và một vật nặng đè lên bánh để phần nước còn bên trong bánh có thể được ép chảy ra ngoài. Chú ý là đừng đè quá nặng sẽ khiến bánh bị rách và vỡ ra nhé! Khi bánh đã nguội và khô thì bạn có thể mang bánh ra những nơi khô thoáng, cắt ra dùng hoặc là gửi tặng bạn bè, người thân.

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách gói bánh chưng bằng khuôn

Cách gói bánh chưng bằng tay

Nếu muốn thực hiện cách gói bánh chưng không cần khuôn, bạn có thể thực hiện theo các bước dưới đây.

Bước 1: Cách xếp lá gói bánh chưng thành khuôn

  • Bạn đặt 2 chiếc lá dong sao cho vuông góc với nhau và úp mặt phải của lá xuống dưới.
  • Tiếp tục đặt thêm 2 lá dong khác vuông góc với nhau, tuy nhiên nên đặt mặt tối hướng lên trên.
  • Nếu bạn không sử dụng lá dong thì có thể dùng lá chuối để thay thế.

Bước 2: Thêm nguyên liệu

  • Cho một bát gạo vào giữa phần lá đã xếp, ½ nắm đậu xanh, 1-2 miếng thịt heo và một bát gạo nếp lên trên phần nhân.
  • San đều để đảm bảo phần gạo nếp che phủ kín phần nhân đậu và thịt heo ở giữa.
Cách làm bánh chưng
Cách làm bánh chưng xanh thơm dẻo (Nguồn: laodong.vn)

Bước 3: Gói bánh

  • Bạn tiến hành gấp phần lá dong bên phải và trái lại thật chắc tay, với phần lá thừa bạn có thể gấp giấu vào bên trong hoặc là cắt bỏ đi.
  • Tiếp theo, bóp hai bên mép chiếc bánh và gấp lại, vỗ nhẹ và nén nhẹ để bánh chưng có hình vuông đẹp mắt.
  • Sau khi đã tạo hình chắc chắn cho bánh chưng, bạn dùng hai dây lạt buộc lại để cố định bánh. Sau đó, lấy tiếp hai dây lạt khác buộc vuông góc với hai dây lạt ban đầu.
  • Cuối cùng, bạn dùng tay ấn đều bốn góc của bánh chưng để bánh được chắc chắn và không bị bở.

Khi đã gói bánh hoàn chỉnh, bạn đem bánh đi luộc tương tự như cách làm bánh chưng xanh bằng khuôn. Sau khi luộc bánh, bạn có thể bảo quản bánh ở nhiệt độ phòng, trong tủ lạnh để dùng dần trong dịp Tết hoặc là làm quà tặng biếu người thân, bạn bè cũng rất ý nghĩa và thiết thực.

Hướng dẫn cách làm bánh chưng xanh
Hướng dẫn cách làm bánh chưng xanh không cần khuôn (Nguồn: laodong.vn)

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách gói bánh chưng bằng tay

Cách gói bánh chưng bằng lá dong

Trước khi tham khảo cách gói bánh chưng bằng lá dong, bạn cần nắm rõ một số mẹo lựa chọn lá dong để bánh được thơm ngon hơn dưới đây nhé:

  • Chọn lá dong có tán rộng, bản to và màu xanh tươi. Điều này sẽ giúp cho bánh có màu sắc đẹp mắt hơn so với dùng lá chuối.
  • Khi chọn lá dong, bạn nên lưu ý lá phải còn tươi, không bị giòn và có độ dai.
  • Tránh chọn lá dong bị héo hay khô cứng, bởi sẽ dễ bị rách khi gói.
  • Trung binh mỗi bánh chưng sẽ cần khoảng 4 lá dong, do đó tùy theo số lượng bánh cần làm mà bạn ước lượng số lá dong phù hợp nhé!

Sau khi đã nắm rõ các bước lựa chọn lá dong đạt chuẩn, cùng Shopee Blog bắt tay vào gói bánh chưng thôi nhé!

Bước 1: Sơ chế lá

Ở bước này, bạn có thể sử dụng khuôn hoặc là dùng tay để gói bánh, tuy nhiên nếu dùng khuôn thì thành phẩm bánh chưng sẽ có tạo hình vuông vức và gọn gàng hơn nhé.

Lá dong sau khi được rửa sạch bạn tướt bỏ phần sống dày của lá (từ ngay điểm cần tướt hướng ra ngoài cuống lá). Điều này sẽ giúp lá khi gói được sát và đẹp hơn. Tiếp đó, bạn gấp đôi lá lại sao cho đường viền chính giữa thẳng hàng với nhau, dùng tay vuốt để tạo nếp cho lá. Tiếp theo đặt lá đã gấp lên thớt và cắt ngắn cho vừa khớp với độ dài của khuôn bánh. Phần lá dư bị cắt đi bạn nhớ giữ lại để dùng cho những công đoạn phía sau nhé!

Sơ chế lá dong gói bánh chưng
Sơ chế lá dong gói bánh chưng (Nguồn: cooky.vn)

Một mẹo hay để cắt lá theo khuôn chính là bạn không nên cắt bằng y khuôn mà nên để nhỏ hơn khoảng 0.3 – 0.5 cm, như vậy để khi xếp nhiều lớp lá vào khuôn sẽ vừa khít và không bị dư thừa.

Bước 2: Cách gấp lá gói bánh chưng

Đầu tiên, đối với phần lá trong, bạn gấp đôi lại thành hình tam giác, hướng mặt bóng hướng vào trong và dùng tay vuốt để tạo nếp chắc chắn. Tiếp theo, bạn mở rộng lá, dùng tay trái cố định cùng một bên đầu lá, tay phải đặt lên phần lá đã gấp để giữ cố định trên mặt phẳng. Dùng ngón tay cái của tay phải ấn ngược đường gấp tam giác vào trong, đồng thời di chuyển tay trái cho dựng lá đứng dậy thành hai mặt phẳng vuông góc. Cuối cùng là vuốt các đường gấp lại để tạo cạnh gấp được chắc chắn và vuông vức.

Tương tự cách gấp cho cách gấp lá ngoài, nhưng bạn sẽ gấp thêm hai miếng lá nhỏ vào phía trong và vuốt tạo nếp. Điều này sẽ giúp cho phần bánh khi gói được chắc chắn và đẹp hơn.

Cách gấp lá gói bánh chưng
Cách gấp lá gói bánh chưng (Nguồn: cooky.vn)

Bước 3: Cách xếp lá gói bánh chưng vào khuôn

  • Lá ngoài: Đặt hai lá ngoài vào hai góc đối diện nhau của khuôn bánh. Để miếng lá nhỏ dưới đất lá gấp vào trong xuống dưới đáy để chúng có thể đan xen và cố định vào nhau.
  • Lá trong: Tiếp đó, bạn đặt chồng hai miếng lá trong vào hai góc đối diện khác của khuôn.
  • Chèn lá ngọn: Ở phần tiếp giáp của hai lá ngoài còn hở, bạn nên đặt vào một miếng lá (lá ngọn đã cắt) theo hình chữ V để làm kín lại các góc còn hở.
Cách xếp lá gói bánh chưng bằng lá dong
Cách xếp lá gói bánh chưng bằng lá dong (Nguồn: cooky.vn)

Bước 4: Gói bánh

  • Trước khi bỏ nguyên liệu vào khuôn, bạn đặt cọng dây lạt dưới khuôn theo góc vuông 90 độ với người ngồi gói bánh.
  • Tiếp đó, cho từ từ các nguyên liệu vào khuôn như gạo nếp, ½ nắm đậu xanh, thịt heo và một lớp gạo lớp phủ đều bánh.
  • Khi gói bánh, bạn dùng tay trái úp một bên lá xuống mặt nếp, làm tương tự với bàn tay phải. Dùng hai tay ấn cho nếp dẹt đều ra bốn góc bánh.
  • Sau đó, tạo viền tam giác ở hai đầu đối diện và gấp hai đầu vào sát đối đỉnh nhau.
  • Từ từ rút khuôn khỏi bánh và dùng dây lạt buộc lại.

Khi đã gói bánh chỉn chu, bạn đem bánh đi luộc tương tự như những cách làm bánh chưng xanh khác. Sau khi luộc bánh, bạn có thể bảo quản bánh ở nhiệt độ phòng, trong tủ lạnh để dùng dần trong dịp Tết hoặc là làm bộ quà tặng Tết biếu người thân, bạn bè cũng rất ý nghĩa nữa đấy!

Gói bánh chưng xanh ngày Tết
Gói bánh chưng xanh ngày Tết (Nguồn: cooky.vn)

Cách gói bánh chưng bằng lá chuối

Cách làm bánh chưng xanh bằng lá chuối sẽ là giải pháp hữu ích cho vấn đề khan hiếm lá dong, bởi không phải lúc nào cũng là mùa lá dong và thường xuyên khó tìm ở những khu chợ vào ngày hè. Chính vì vậy, Shopee Blog sẽ gợi ý cho bạn 2 cách gói bánh chưng bằng lá chuối vuông vức và thơm dẻo ngay sau đây nhé!

Gói bánh chưng bằng lá chuối không cần khuôn

Đầu tiên, bạn đặt lá chuối lên mâm hoặc bất cứ mặt phẳng nào, lấy đủ bốn lá chuối xếp xen kẽ với nhau tạo thành hình chữ thập (dọc – ngang – dọc – ngang). Tiếp đó, bạn lần lượt cho nguyên liệu vào bánh theo tỷ lệ nửa chén gạo nếp, 2 muỗng cà phê đậu xanh, 1 miếng thịt và cuối cùng là một chén gạo phủ đều lên phần nhân ở giữa.

Cách làm khuôn bánh chưng vuông vức
Cách làm khuôn bánh chưng vuông vức (Nguồn: digifood.com)

Sau đó, bạn tiến hành gấp hai bên đối diện của hình chữ thập vào với nhau để tạo được hình vuông. Lưu ý là giữ chắc tay để không bị rơi nhân bánh ra ngoài. Cuối cùng là sử dụng một dây lạt mỏng để cố định các lớp lá lại với nhau.

Gói các lớp lá
Gói các lớp lá lại thành hình bánh chưng hoàn chỉnh (Nguồn: digifood.com)

Khi đã hoàn thành gói bánh, bạn đem bánh đi luộc tầm khoảng từ 8-10 tiếng tương tự như cách gói bánh chưng bằng lá dong. Thành phẩm thu được sẽ là những chiếc bánh xanh dẻo cùng với thịt ba chỉ béo thơm – một hương vị không thể thiếu trong ngày lễ Tết Cổ Truyền.

Gói bánh chưng bằng lá chuối dùng khuôn

Đầu tiên, bạn trải lá chuối lên mâm hoặc một mặt phẳng bất kỳ, gấp đôi lại theo chiều dọc của lá, cho cạnh gấp vào khuôn bánh và mở lá ra. Bạn đặt lá sao cho mặt lá vừa khít các cạnh của khuôn. Sau đó, gấp lá chuối lại để tạo hình tam giác dưới đáy khuôn.

Cách gấp lá gói bánh chưng bằng khuôn
Cách gấp lá gói bánh chưng bằng khuôn (Nguồn: digifood.com)

Tiếp đó, cho lần lượt từng nguyên liệu vào và phủ kín bằng một lớp gạo nếp trên cùng. Tiếp theo, bạn tiến hành gấp từng mặt lá vào với nhau tương tự như với cách gói bánh chưng bằng khuôn, đặt thêm một lớp lá chuối lên trên để bánh được bao bọc kĩ nhất. Cuối cùng đem bánh đi luộc trong thời gian từ 8-10 tiếng.

Cách gói bánh chưng vuông lá chuối
Cách gói bánh chưng vuông lá chuối bằng khuôn (Nguồn: digifood.com)

Cách gói bánh chưng dài

Ngoài loại bánh chưng vuông quen thuộc thì bánh chưng dài (hay còn gọi là bánh tét) cũng rất phổ biến ở các tỉnh miền Bắc. Nhìn chung, cách gói bánh chưng dài không quá khác biệt so với bánh chưng vuông, quy trình cụ thể như sau

Bước 1: Gấp lá và thêm nguyên liệu

  • Bạn đặt 3 lá dong úp mặt bóng xuống dưới mâm hoặc mặt phẳng, phần lá to hơn có thể để ở dưới cùng và lần lượt là những lớp lá nhỏ hơn.
  • Tiếp theo, bạn cho từ từ nguyên liệu vào bánh và trải đều xung quanh phần sống lá. Nhớ là bạn nên dàn đều lớp gạo nếp cuối cùng để phủ toàn bộ phần nhân thịt không bị hở nhé!
Cách gấp lá gói bánh chưng dài
Cách gấp lá gói bánh chưng dài (Nguồn: digifood.com)

Bước 2: Gói bánh

  • Bạn gói bánh theo hình sống lá, cố gắng vuốt và nén bánh chặt tay. Sau đó, dùng một dây lạt buộc cố định ở giữa phần bánh.
  • Tiếp đến, nhẹ nhàng gập phần lá dưới góc lên và dựng thẳng bánh. Vỗ nhẹ để gạo nếp, đậu xanh và thịt được khít với nhau hơn.
  • Dùng tiếp một dây lạc khác buộc cố định phần thân bánh. Tiếp tục buộc dàn trải từ trên xuống dưới và ngược lại để bánh được chắc chắn hơn.

Vậy là hoàn thành gói bánh chưng dài siêu đơn giản rồi đấy. Khi đã gói bánh hoàn chỉnh, bạn đem bánh đi luộc tương tự như cách làm bánh chưng xanh vuông. Bánh chưng dài sẽ giúp cho mâm cỗ của gia đình bạn thêm phần đầy đủ và chỉn chu hơn đấy!

Cách gói bánh chưng dài
Cách gói bánh chưng dài siêu đơn giản (Nguồn: digifood.com)
Thành phẩm bánh chưng dài
Thành phẩm bánh chưng dài (Nguồn: digifood.com)

Cách gói bánh chưng gù

Bánh chưng gù – Một món ăn truyền thống của vùng đất Hà Giang với ý nghĩa tôn vinh sự chăm chỉ, cần cù và chịu khó của người phụ nữ vùng cao. Nhìn chung, cách gói bánh chưng gù tương tự với bánh chưng dài hay cách gói bánh chưng truyền thống, chỉ thay đổi ở bước tạo hình lưng gù cho bánh chưng. Hãy cùng học cách gói bánh chưng gù chỉ với một vài bước đơn giản ngay sau đây:

Ở bước đầu tiên, bạn cũng chuẩn bị nguyên liệu nhân bánh cùng lá dong chỉn chu. Tiếp đó là cho lần lượt nguyên liệu vào giữa lá dong theo tỷ lệ 1 chén gạo nếp, ½ nắm đậu xanh và 1 miếng thịt heo. Cuối cùng là trải đều một lớp gạo nếp trên cùng để bao phủ toàn bộ phần nhân bánh.

Cách gói bánh chưng đẹp lưng gù
Cách gói bánh chưng đẹp lưng gù (Nguồn: vinid.net)

Cách làm bánh chưng xanh lưng gù

  • Sau khi đã cho đầy đủ nguyên liệu vào lá dong, bạn gấp mép lá lại bằng cách túm hai bên mép lá, xếp chặt tay giữ cho một phần đầu lá lại vuốt dẹp rồi gấp chặt sao cho khít phần nhân bánh.
  • Tiếp đó, dựng bánh lên vỗ nhẹ cho phần nhân được nén chặt xuống phía dưới tạo hình lưng gù cho bánh, làm tương tự với đầu còn lại. Sau khi nén, phần giữa bánh sẽ hơi gù và nhô lên là hoàn thành.
  • Cuối cùng, dùng dây lạt cố định bánh bằng cách xoắn chặt hai đầu, có thể sử dụng 3-4 dây để bánh được cố định một cách chắc chắn.

Khi đã hoàn thành giai đoạn gói bánh, bạn sẽ đem mẻ bánh đi luộc tương tự như cách làm bánh chưng dài. Sau khi luộc, thành quả thu được sẽ là những chiếc bánh chưng gù có màu xanh mướt đẹp mắt và hương vị đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc.

Bánh chưng gù
Bánh chưng gù (Nguồn: vinid.net)

Cách làm bánh chưng nhỏ bằng tay

Nếu như những chiếc bánh chưng to, vuông vức thường được sử dụng trong dịp Tết Nguyên Đán để lòng biết ơn thì với những thường hoặc ngày rằm mùng 1 nhiều người sẽ lựa chọn cách gói bánh chưng nhỏ bằng tay. Bởi những chiếc bánh chưng mini sẽ dễ thực hiện, luộc chín nhanh và ăn không bị ngán.

Bánh chưng nhỏ
Bánh chưng nhỏ (Nguồn: noiphodien123.com)

Khác với bánh chưng truyền thống có kích thước lớn thì loại bánh chưng nhỏ chỉ có kích thước khoảng 5 – 7cm và bạn có thể dễ dàng gói bánh bằng tay thay vì dùng khuôn. Chính vì vậy, bạn cần phải tỉ mỉ và khéo léo trong công đoạn gói để bánh được chắc chắn và vuông vức. Đối với bánh chưng nhỏ thì cách gói bánh cũng có nhiều bước tương tự với cách làm chưng xanh truyền thống. Bạn có thể tham khảo qua cách gói bánh chưng nhỏ bằng tay đơn giản như sau:

  • Đặt dây lạt ở dưới cùng và cho lần lượt các lá dong lên trên. Sau đó cho lần lượt từng nguyên liệu lên trên lá dong.
  • Tiếp đó bạn gập các phần của lá dong lại với nhau. Dùng một chiếc lá to hơn để bọc lại bên ngoài bánh không bị hở. Lưu ý là nén chặt tay khi gói bánh để sau khi luộc bánh không bị bở và thơm ngon.
  • Cuối cùng là cố định lại bằng dây lạt ở bên dưới cùng.

Khi đã hoàn thành gói bánh, bạn tiến hành đem bánh đi luộc. Vì kích thước bánh khá nhỏ nên bạn chỉ cần luộc bánh trong khoảng từ 4-5 tiếng là đã ngay những chiếc bánh chưng mềm dẻo rồi đấy.

Cách làm bánh chưng nhỏ
Cách làm bánh chưng nhỏ bằng tay đơn giản (Nguồn: noiphodien123.com)

Một số câu hỏi liên quan

Một số cách luộc bánh chưng thơm, dẻo

Để bánh chưng được thơm ngon và không bị bở, bạn cần lưu ý một số cách luộc bánh chưng như sau:

  • Trước khi bỏ bánh vào nồi luộc, bạn cần xếp một lớp lá dong bên dưới để bánh không bị cháy hay dính đáy nồi.
  • Xếp bánh thành các tầng chồng lên nhau ngay ngắn và giữ chặt chúng lại với nhau, đề phòng khi luộc nước sôi có lực đầy sẽ khiến bánh bị xô đẩy, dễ hư bánh.
  • Không nên để lửa hoặc nhiệt độ quá lớn, bạn chỉ nên để lửa liu riu trong suốt quá trình luộc bánh để đảm bảo thành quả được tốt nhất.

Một chiếc bánh chưng thơm ngon và xanh dẻo sẽ giúp bạn thêm phần tự tin khi đặt trên mâm cỗ cúng gia tiên hoặc gửi tặng bạn bè, người thân.

cách giúp bánh chưng thơm dẻo
Một số cách giúp bánh chưng thơm dẻo (Nguồn: Six Sense Ninh Van Bay)

Cách bảo quản bánh chưng như thế nào?

Bánh chưng sau khi được nấu chín nên được sử dụng trong khoảng từ 7-10 ngày ở nhiệt độ phòng. Hoặc nếu dùng không hết, bạn có thể bảo quản bánh trong tủ lạnh sẽ giúp kéo dài thời gian bảo quản thành 10-15 ngày. Khi ăn bạn có thể lấy ra hấp chín, cho vào lò vi sóng hâm lại hoặc là có thể chiên trên chảo nóng để làm món bánh chưng chiên hấp dẫn trong ngày Tết.

>> Xem thêm: 10+ cách bảo quản bánh chưng lâu hỏng

Như vậy, Shopee Blog đã gợi ý đến bạn những cách gói bánh chưng đơn giản cho những chiếc bánh ngày Tết thêm phần đậm vị và thơm ngon. Hy vọng qua bài viết, bạn có thể chọn được cách gói bánh phù hợp và làm ra những chiếc bánh chưng chuẩn vị Tết Cổ Truyền. Đặc biệt, sàn thương mại điện tử Shopee đang có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi siêu hấp dẫn nhân dịp sự kiện Tết 2024 sắp đến. Hãy theo dõi Shopee ngay hôm nay để được cập nhật nhanh nhất về chương trình ưu đãi Tết bạn nhé!

>> Xem thêm: Tết Nguyên Đán 2024 – Nguồn gốc, ý nghĩa và lịch nghỉ Tết

Shopee sale 4.4

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *