Đổ ghèn ở mắt là biểu hiện rất thường gặp ở trẻ sơ sinh. Thế nhưng đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể hay là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó? Tuỳ vào nguyên nhân mà các triệu chứng sẽ được thể hiện ở các mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Cùng Shopee Blog tìm hiểu nguyên nhân gây đổ ghèn và cách làm sạch ghèn mắt cho trẻ sơ sinh trong bài viết bên dưới nhé.
Sơ lược về tình trạng mắt trẻ sơ sinh đổ ghèn
Hiện tượng đổ ghèn vàng ở mắt trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến và thường không gây nhiều nguy hiểm. Mắt trẻ sơ sinh bị ghèn cũng có thể là do mắt đang hoạt động cơ chế làm sạch các chất bẩn có trong mắt.
Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh bị đổ ghèn nhiều kèm các triệu chứng đỏ mắt, sưng hoặc đau thì có thể mắt trẻ đã bị nhiễm trùng hoặc gặp vấn đề nào đó về mắt. Trong trường hợp này, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện để tìm ra nguyên nhân cụ thể và có thể điều trị kịp thời.
Nguyên nhân mắt đổ ghèn ở trẻ sơ sinh
Trước khi tìm hiểu cách làm sạch ghèn mắt cho trẻ sơ sinh, cùng Shopee Blog điểm qua các nguyên nhân phổ biến gây nên triệu chứng này ở trẻ nhé.
Viêm kết mạc
Kết mạc là một lớp màng mỏng, trong suốt và che phủ ở mắt. Khi lớp màng này bị tác động từ bên ngoài thì rất dễ gây ra tình trạng bị viêm và đổ ghèn là một trong số những triệu chứng của viêm kết mạc. Viêm kết mạc mắt ở trẻ em thường do 2 nguyên nhân chủ yếu là vi khuẩn và virus.
- Viêm kết mạc do vi khuẩn: Triệu chứng dễ nhận biết nhất khi trẻ bị viêm kết mạc do vi khuẩn là mắt đổ ghèn, có mủ và khó mở mắt khi ngủ dậy. Nếu người mẹ đang bị bệnh này thì rất dễ lây sang cho con.
- Viêm kết mạc do virus: Triệu chứng rõ nhất của bệnh này là mắt trẻ bị đỏ phần tròng trắng, ghèn lỏng, màu vàng và bị chảy nước mắt rất nhiều. Đây là trường hợp nhiễm trùng mắt ở trẻ sơ sinh và thường xảy ra ở cả hai mắt.
Trẻ bị mắc dị vật trong mắt
Mắt trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên những dị vật nhỏ như cát, bụi, lông thú,… cũng có thể khiến mắt trẻ phản ứng bằng cách tiết ra ghèn. Triệu chứng của trường hợp này cũng khá giống viêm nên trước khi điều trị bằng kháng sinh bạn nên quan sát thật kỹ mắt của bé nhé.
Trẻ bị tắc tuyến lệ
Có đến 10% trẻ sơ sinh gặp tình trạng tắc tuyến lệ khi vừa chào đời. Biểu hiện rõ nhất của tình trạng này là nước mắt chảy liên tục mặc dù trẻ không quấy khóc. Tình trạng này nếu trở nặng hơn sẽ dẫn đến nhiễm trùng mắt. Tuy nhiên tình trạng tắc tuyến lệ sẽ tự khỏi sau một thời gian. Từ đó hiện tượng chảy nước mắt hoặc ghèn cũng sẽ tự chấm dứt.
Dịch ối hoặc máu chảy vào mắt khi sinh
Khi trẻ vừa sinh ra mà có hiện tượng đổ ghèn hoặc chảy nước mắt nhiều thì rất có thể là mắt trẻ đã bị nước ối hoặc máu từ mẹ chảy vào. Đây là hiện tượng không gây nguy hiểm nhiều nên phụ huynh không cần quá lo lắng.
Khâu vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh còn kém
Khâu vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh chưa sạch hoặc chưa đúng cách cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đổ ghèn. Tình trạng đổ ghèn sẽ khiến trẻ khó mở mắt và cảm thấy khó chịu. Việc này kéo dài có thể dẫn đến viêm giác mạc ở trẻ.
Do bé chạm tay bẩn lên mắt
Trẻ sơ sinh chưa ý thức được những đồ vật mình cầm nắm nên có thể sẽ cầm vào những đồ vật không vệ sinh và an toàn. Hành động vô thức đưa tay lên mắt cũng sẽ khiến những vi khuẩn từ những đồ vật trên dính vào mắt. Việc này có thể sẽ khiến mắt bị đổ ghèn. Do đó, người lớn cần chú ý tránh để trẻ cầm nắm lung tung và nên vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chăm sóc sức khỏe bé.
>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh dùng miếng dán hạ sốt có được không?
Cách làm sạch ghèn mắt cho trẻ sơ sinh
Khi nhận thấy tình trạng đổ ghèn ở mắt của trẻ, bạn cần vệ sinh mắt cho bé thật sạch. Cách làm sạch ghèn mắt cho trẻ sơ sinh diễn ra như sau:
- Bước 1: Đảm bảo rửa sạch tay trước thực hiện đúng cách rửa mắt cho trẻ sơ sinh.
- Bước 2: Nếu trẻ chảy nhiều nước mắt hoặc ghèn lỏng, bạn cần lau khô mắt của trẻ bằng gạc y tế sạch. Lưu ý mỗi bên sử dụng 1 miếng nhé.
- Bước 3: Chuẩn bị 2 miếng gạc khác và làm ướt chúng bằng nước muối sinh lý hoặc nước ấm.
- Bước 4: Bắt đầu làm sạch mắt cho trẻ. Bạn nên lau nhẹ nhàng từ khóe mắt ra đuôi mắt.
- Bước 5: Sử dụng gạc khô để lau lại mắt cho bé một lần nữa. Không nên chạm vào mí mắt khi lau mắt cho bé để tránh tổn thương vì da mắt còn mỏng.
Bằng các thao tác đơn giản kể trên, một ngày bạn nên lau cho bé từ 2-3 lần hoặc bất cứ khi nào thấy mắt bé đổ nhiều ghèn. Tuy nhiên, cách rửa mắt cho trẻ sơ sinh này chỉ phù hợp khi tình trạng bị nhẹ. Đối với những tình trạng nặng hơn, bạn cần đưa bé đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số cách massage ống tuyến lệ cho bé khi điều trị tại nhà như sau:
- Bước 1: Bạn ấn ngón tay trỏ vào sống mũi bên cạnh tuyến lệ của trẻ.
- Bước 2: Vuốt ngón tay xuống dưới dọc theo sống mũi. Động tác này nên làm nhẹ nhàng và thực hiện từ 2-3 lần.
Bạn nên thực hiện các thao tác này từ 1-2 lần mỗi ngày. Nếu mũi trẻ bị sưng đỏ, bạn nên dừng lại và đưa trẻ đến bệnh viện.
Khi nào cần đưa bé đi khám mắt & điều trị tại bệnh viện?
Sau khi thực hiện cách vệ sinh mắt và nhỏ mắt nhưng tình trạng vẫn trở nặng, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số biểu hiện cho thấy bạn cần đưa bé đi bệnh viện để được khám kỹ hơn:
- Mắt trẻ sưng húp và có tình trạng bị đỏ.
- Mắt chảy mủ màu vàng hoặc xanh lá.
- Khoé trong của mắt có hiện tượng sưng.
- Mí mắt của trẻ bị sưng.
>> Xem thêm: Cách vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh an toàn, đúng cách
Một số lưu ý quan trọng khi vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh
Những lưu ý quan trọng khi vệ sinh mắt cho trẻ mà phụ huynh cần lưu ý để không khiến bệnh trở nặng:
- Nên rửa tay và khử khuẩn thật sạch trước khi rửa mắt cho bé.
- Trong trường hợp trẻ sơ sinh chỉ bị đổ ghèn một mắt, mẹ nên tìm hiểu kỹ cách rửa mắt cho bé, không nên lau hoặc nhỏ thuốc cả 2 mắt để tránh bị lây nhiễm chéo.
- Khi vệ sinh mắt cho bé, nên dùng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh thay vì các loại nước muối sinh lý thông thường.
- Vệ sinh tay cho bé thật sạch và tránh không cho bé dụi mắt.
- Tuyệt đối không nên sử dụng các bài thuốc dân gian để điều trị cho bé vì có thể khiến mắt trở nặng hơn.
- Hạn chế cho bé ở những nơi có gió lớn và có ánh sáng mạnh vì sẽ khiến khả năng nhiễm trùng tăng lên.
- Đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt nếu gặp các biểu hiện trở nặng mà Shopee Blog đã đề cập ở trên.
Shopee Blog vừa gửi đến bạn các nguyên nhân gây ra tình trạng đổ ghèn và cách làm sạch ghèn mắt cho trẻ sơ sinh. Trong trường hợp nhận thấy bệnh có dấu hiệu trở nặng, mẹ và bé cần bình tĩnh và nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị sớm nhất có thể nhé. Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết mới nhất của Shopee Blog để cập nhật nhiều thông tin hữu ích về cách chăm sóc bé nha.
>> Xem thêm: 5 cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh an toàn