Gói bánh chưng là một nét đẹp truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán, mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tưởng nhớ tổ tiên và gắn kết gia đình. Bạn có thể tự tay gói những chiếc bánh chưng vuông vắn để trưng lên bàn thờ tổ tiên hoặc làm quà tặng. Hãy cùng Shopee Blog khám phá ngay cách gói bánh chưng bằng lá dong thật dễ dàng nhé!
Ưu và nhược điểm của cách gói bánh chưng bằng lá dong
Bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Bánh chưng có thể được gói bằng lá chuối hoặc lá dong với nguyên liệu chính là nếp, thịt và đậu xanh. G
ói bánh chưng lá dong sẽ đem lại thành phẩm vô cùng đẹp mắt và thơm ngon. Hoạt động gói bánh cũng sẽ giúp gia đình có không gian quây quần bên nhau thật ý nghĩa. Trước khi chọn gói bánh chưng bằng lá dong thì bạn có thể tham khảo những ưu, nhược điểm sau.
Ưu điểm
- Mang đậm nét văn hóa cổ truyền Việt Nam: Gói bánh chưng bằng lá dong là cách gói bánh truyền thống mang đến hương vị cổ truyền vô cùng thơm ngon.
- Có tính thẩm mỹ cao: Bánh chưng gói bằng lá dong có phần khuôn chắc chắn, vuông vức và dễ dàng sắp xếp thành nhiều tầng đẹp mắt.
- Giữ được hương vị tự nhiên: Lá dong được cho là có khả năng giữ được hương vị tự nhiên của nếp và có sự kết hợp mùi thơm nhẹ của lá dong.
- Thân thiện với môi trường: Lá dong là nguyên liệu tự nhiên không gây ảnh hưởng khi thải ra môi trường.
Nhược điểm
- Cần có kỹ thuật gói tốt: Gói bánh chưng bằng lá dong đòi hỏi nhiều bước xếp và gói bánh phức tạp.
- Giá thành cao, khó mua: Lá dong có giá thành cao hơn so với các nguyên liệu khác, ngoài ra một số vùng ở thành phố lớn sẽ khó để mua được lá dong tươi.
- Khó bảo quản: Lá dong có thể bị héo, úa vàng nhanh hơn.
>> Xem thêm: Khám phá 15+ các loại bánh ngày Tết không thể thiếu
Mẹo chọn và sơ chế lá dong gói bánh chưng
Chọn và sơ chế lá dong là bước quan trọng để đảm bảo lá được sử dụng để gói bánh chưng luôn tươi và đẹp mắt. Ngoài ra, việc sơ chế nguyên liệu kỹ càng cũng là cách giúp bánh ngon, bảo quản lâu hơn và tránh bị ôi, thiu. Dưới đây là một số mẹo khi chọn và sơ chế lá dong:
- Chọn lá non và mềm, có màu xanh đậm: Lá dong gói bánh cần phải là lá non, tươi, rõ màu xanh đậm để dễ dàng thao tác và khi nấu bánh sẽ dậy mùi thơm.
- Tránh chọn lá bị rách quá nhiều, quá to hoặc quá nhỏ: Ưu tiên chọn lá dày nguyên vẹn, kích thước vừa phải để đảm bảo tính thẩm mỹ và dễ dàng gói bánh hơn.
- Làm sạch lá thật kỹ càng: Rửa lá dong kỹ lưỡng để loại bỏ bụi bẩn đồng thời cắt bỏ bớt phần cuống lá. Sử dụng nước muối để rửa cũng là một cách để làm sạch lá, đừng quên lau khô lá sau khi rửa.
- Cắt lá theo hình vuông hoặc hình chữ nhật: Đối với bánh chưng truyền thống, lá dong thường được cắt thành hình vuông hoặc hình chữ nhật sẽ thuận tiện hơn khi bắt tay vào gói bánh.
Hướng dẫn cách gói bánh chưng bằng lá dong chi tiết
Chuẩn bị nguyên liệu
Với cách gói bánh chưng vuông bằng lá dong, bạn cần chuẩn bị đủ các nguyên liệu nấu ăn sau cho một bánh:
- 400g gạo nếp cái hoa vàng.
- 200g đậu xanh đã tách vỏ.
- 4 lá dong.
- 1 bó dây lạt tre.
- 200g thịt ba chỉ.
- Gia vị: hạt nêm, tiêu.
Ngoài ra, để gói dễ dàng hơn và cho thành phẩm đẹp hơn thì bạn có thể sử dụng thêm khuôn gói bánh chưng.
Sơ chế nguyên liệu
- Bước 1: Chọn lá dong nguyên vẹn sau đó rửa sạch, tước bỏ phần cuống lá rồi dùng khăn lau thật khô, để ráo.
- Bước 2: Tiếp tục ngâm gạo nếp với nước trong khoảng 2-3 tiếng để nếp nở và nhanh mềm hơn khi nấu.
- Bước 3: Tương tự, ngâm đậu xanh trong nước khoảng 2 tiếng.
- Bước 4: Đối với nhân thịt, chọn phần thịt ba chỉ dày, có cả phần nạc và mỡ rồi cắt thành từng miếng có độ dài từ 5-7cm, độ dày khoảng 1cm. Ướp thịt ba chỉ với khoảng 1 thìa hạt nêm và hai thìa tiêu trong vòng 15 phút để thịt ngấm gia vị và hương liệu.
Cắt lá và tạo khuôn
Đối với cách gói bánh chưng bằng lá dong có khuôn
- Bước 1: Kẻ một đường ở chính giữa lá dong, sau đó đo chiều dài cạnh của khuôn.
- Bước 2: Cắt bỏ hai đầu phần lá sao cho từ đường cắt đến đường chính giữa lá bằng một cạnh của khuôn. Cắt tương tự cho đủ bốn lá dong. Ngoài ra, nếu phần sống lá quá dày, bạn có thể cắt bỏ đi để có thành phẩm đẹp nhất.
Đối với cách gói bánh chưng bằng lá dong không cần khuôn
- Bước 1: Cho mặt lá dong xanh đậm ở dưới rồi gấp lá theo chiều ngang
- Bước 2: Miết lá sao cho đường gấp cách sống lá khoảng 2 đốt tay.
- Bước 3: Tiếp tục gấp đôi lá rồi dùng tay miết nếp thật kỹ.
- Bước 4: Cắt bỏ hai đầu lá sao cho phù hợp với kích thước bánh mong muốn. Làm tương tự với các lá còn lại.
Gấp và xếp lá dong gói bánh
Đối với cách gói bánh chưng bằng lá dong có khuôn
- Bước 1: Đối với hai lá dong ở trong thì để mặt bóng úp vào trong khuôn, xoay lá nằm ngang. Dựng đứng lá rồi gấp chéo nửa dưới lá thành hình vuông sao cho nửa trên tạo thành hai phần vuông góc với nhau. Vuốt các đường gấp để cạnh lá chắc chắn hơn.
- Bước 2: Đối với hai lá dong ở ngoài thì gấp tương tự như hai lá ở trong. Sau đó tiếp tục gấp hai miếng lá nhỏ vào trong để nửa phần dưới tạo thành hình tam giác.
- Bước 3: Sau đó, bạn đặt hai lá dong ngoài vào hai góc đối diện của khuôn, tiếp tục chồng hai lá dong ở trong vào hai góc đối diện còn lại của khuôn.
- Bước 4: Nếu phần tiếp giáp giữa hai lá ngoài còn khoảng hở, bạn có thể cắt một đoạn lá nhỏ chữ V để ghép vào và căn chỉnh để phần đế bánh chắc chắn hơn.
Đối với cách gói bánh chưng bằng lá dong không cần khuôn
- Bước 1: Đặt phần lá dong có màu xanh nhạt vào trong, dựa vào nếp đã gấp, tiếp tục gấp chéo lá sao cho nửa trên lá dựng đứng tạo góc vuông.
- Bước 2: Phần nửa dưới thì gấp gọn và tiếp tục xếp tương tự cho các lá còn lại.
- Bước 3: Tiếp tục xếp lần lượt bốn lá lên bốn gốc của bánh để tạo hình khối hình vuông như ý muốn.
- Bước 4: Miết chặt các góc để bánh chắc chắn và kiểm tra phần đế bánh đảm bảo không bị hở.
>> Xem thêm: 11+ cách trang trí mâm bánh chưng đẹp mắt, hấp dẫn nhất
Xếp nhân
- Bước 1: Đặt một đoạn dây lạt tre vào phần chính giữa đáy bánh.
- Bước 2: Sau đó lần lượt cho các nguyên liệu vào giữa phần lá dong đã xếp.
- Bước 3: Bắt đầu dàn đều nguyên liệu từ dưới lên theo thứ tự từ một lớp gạo nếp, một lớp đậu xanh, một lớp thịt, một lớp đậu xanh và một lớp gạo nếp.
- Bước 4: Đừng quên dàn chặt phần nhân thịt và đậu xanh thật gọn gàng nhé.
Buộc dây cố định bánh
- Bước 1: Lần lượt gấp hai mép lá đối diện vào nhau để tạo thành nếp hình tam giác.
- Bước 2: Nếu sử dụng khuôn, hãy bỏ khuôn ra, ép chặt và định hình phần bánh sao cho vuông vức.
- Bước 3: Sau đó, cố định bánh bằng cách buộc sợi dây lạt đã đặt ở phần đáy bánh.
- Bước 4: Buộc thêm hai sợi dây lạt tre song song và thêm hai sợi dây vuông góc để tạo thành hình ca rô đẹp mắt.
Luộc bánh
Xếp bánh thành từng lớp vào nồi và đổ nước ngập mặt bánh. Với bánh cỡ nhỏ, ít bánh thì nên nấu trong khoảng 5 tiếng. Với bánh có kích thước lớn hoặc nhiều bánh, nên nấu từ khoảng 10-12 tiếng. Bạn cũng có thể sử dụng nồi áp suất để giảm thời gian luộc bánh.
>> Xem thêm: Hướng dẫn 11+ cách luộc bánh chưng thơm ngon ngày Tết
Thành phẩm
Sau khi bánh chín, bạn cũng có thể trang trí thêm bằng các loại giấy dán bánh chưng nhé. Bánh có thể bảo quản trong khoảng 3-4 ngày nếu để nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu muốn để lâu hơn từ 10 ngày, bạn nên bảo quản bánh trong tủ lạnh để tránh bị thiu. Khi cắt bánh nên vệ sinh dụng cụ cắt bánh thật sạch sẽ nhé,
Ngoài cách ăn trực tiếp truyền thống, bạn cũng có thể thử ăn bánh chưng với các món kèm như củ kiệu, dưa món, kim chi hoặc đem chiên lên vô cùng hấp dẫn.
>> Xem thêm: Top 10+ cách bảo quản bánh chưng ngày Tết được lâu mà vẫn thơm ngon
Và vừa rồi là cách gói bánh chưng bằng lá dong cực kỳ chi tiết mà Shopee Blog muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng rằng thông qua bài viết trên, bạn có thể tự tay làm ra những chiếc bánh chưng đẹp mắt và thơm ngon. Ngoài ra, Shopee còn có rất nhiều chương trình ưu đãi khuyến mãi lớn để bạn mua sắm Tết đó, vậy nên đừng bỏ lỡ nhé!
>> Xem thêm: 7+ cách gói bánh chưng thơm ngon, đậm đà chuẩn vị Tết