Cúng rước ông bà về ăn Tết là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Việt xưa và nay. Đây chính là cách để con cháu thể hiện lòng hiếu kính và biết ơn đối với ông bà tổ tiên. Cùng Shopee Blog tìm hiểu cách cúng rước ông bà đầy đủ, chi tiết và chuẩn xác nhất cho dịp Tết sắp tới nhé!
Ý nghĩa của việc cúng rước ông bà ngày Tết
Thờ cúng tổ tiên nói chung và cúng mời ông bà về ăn Tết nói riêng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa của người Việt. Đây là một phong tục truyền thống vô cùng đẹp đẽ với những ý nghĩa nhân văn đầy sâu sắc:
- Lời nhắc nhở về lòng biết ơn: Lễ cúng rước ông bà chính là lời nhắc nhở thế hệ sau phải luôn nhớ về công đức tổ tiên, nỗ lực gìn giữ cội nguồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp.
- Mong ước hạnh phúc cho năm mới: Mâm cơm cúng rước ông bà còn đại diện cho lời cầu nguyện bình an, kính nhờ ông bà phù hộ và bảo vệ gia đình trong năm mới.
- Nét đẹp văn hóa của người Việt: Truyền thống cúng rước ông bà đã được duy trì qua hàng ngàn năm và trở thành phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt.
Thời gian đọc văn khấn rước ông bà
Theo phong tục truyền thống của người Việt, thời gian đọc văn khấn rước ông bà về là vào ngày cuối cùng của năm. Tức là 30 Tết hoặc ngày 29 đối với những năm tháng Chạp thiếu ngày. Vì ở thời điểm này, con cháu đã tề tụ đầy đủ và mọi thứ đều tươm tất sẵn sàng để làm lễ cúng rước ông bà về cùng đón năm mới.
Năm 2025 là một năm âm lịch đặc biệt, khi tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) chỉ có 29 ngày thay vì 30 ngày như nhiều năm khác. Vì vậy, mọi hoạt động cúng tất niên hay rước ông bà cần được hoàn tất trước ngày 29 tháng Chạp để kịp chào đón năm mới!
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa cúng Giao thừa và cúng rước ông bà, cho rằng hai lễ này là một và phải diễn ra vào buổi tối. Tuy nhiên, theo quy chuẩn các phong tục của người Việt từ xưa, đây là hai lễ hoàn toàn riêng biệt. Cụ thể như sau:
- Cúng mời ông bà về ăn Tết: Lễ diễn vào buổi trưa hoặc buổi tối của ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết). Các anh em trong nhà có thể tụ tập lại cùng đọc bài cúng rước ông bà hoặc chia ra một người cúng buổi trưa, một người cúng buổi tối nếu ở xa. Ngoài ra, bài cúng rước ông bà ngày 30 Tết phải diễn ra trước 11 giờ đêm Giao thừa.
- Cúng giao thừa: Lễ cúng sẽ diễn ra từ khoảng 11 giờ đêm hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau. Trong đó, thời điểm tốt nhất là ngay sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tức là giờ chính Tý (0 giờ đêm).
Chính vì vậy, mâm cơm cúng rước ông bà cũng chính là mâm cơm tất niên của con cháu. Mọi người trong gia đình cùng quây quần trò chuyện, chúc tụng và ăn những món ăn ngày Tết quen thuộc như bánh tét, thịt kho tàu, dưa chua,… Đây cũng chính là ý nghĩa thật sự ẩn sau truyền thống cúng mời ông bà về ăn Tết đầy nhân văn của dân tộc ta.
Cách cúng rước ông bà 30 Tết đầy đủ và chuẩn xác nhất
Để đảm bảo lễ cúng rước ông bà được đầy đủ và chu toàn, bạn cần phải chuẩn bị và chú ý đến rất nhiều yếu tố. Điển hình như phương thức lễ cúng, mâm cúng rước ông bà hay văn khấn đón ông bà ngày 30 Tết. Nhưng đừng lo lắng, vì Shopee Blog hướng dẫn bạn từng bước chi tiết và chuẩn xác nhất ngay sau đây.
Thời gian, phương thức cúng rước ông bà
Như đã đề cập ở trên, lễ cúng rước ông bà sẽ diễn ra trong ngày cuối cùng của năm. Thời gian vào buổi trưa hay buổi tối còn tùy thuộc vào quyết định của gia chủ, miễn sao thuận tiện cho cả gia đình. Sau đây là một số khung giờ đẹp mà bạn có thể tham khảo để thực hiện cúng mời ông bà về ăn Tết cho dịp Xuân Ất Tỵ 2025:
- Giờ Mậu Ngọ (từ 11h – 13h), tuy nhiên không cúng vào đúng 12 giờ.
- Giờ Kỷ Mùi (từ 13h – 15h)
- Giờ Tân Dậu (từ 17h – 19h)
Về cách cúng rước ông bà 30 Tết, bạn có thể tham khảo 1 trong 2 cách phổ biến hiện nay. Cụ thể như sau:
- Cách thứ nhất: Con cháu chỉ chuẩn bị các món cúng rước ông bà và dâng lên bàn thờ gia tiên vào trưa hoặc tối ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết). Khi đọc bài cúng rước ông bà, người cúng sẽ mời đích danh các cụ về đón Tết cùng với gia đình.
- Cách thứ hai: Vào ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết), con cháu trong gia đình sẽ cùng ra mộ tổ tiên để quét dọn và sửa sang. Đồng thời, gia chủ sẽ thắp hương và đọc văn khấn đón ông bà ngày 30 Tết để cúng rước ông bà về đón năm mới. Tuy nhiên, nếu chọn cách này thì gia đình nên sắp xếp đi vào buổi sáng hoặc trưa nhé.
Mâm cơm cúng rước ông bà
Cách cúng rước ông bà 30 Tết đúng là gia đình cần dọn dẹp phòng thờ và bàn thờ sạch sẽ, tươm tất trước khi chuẩn bị mâm cơm cúng rước ông bà. Đồng thời, đừng quên lau dọn các vật phẩm thờ cúng như chum nước, chân đèn thờ, bộ tam sự, bộ ngũ sự,… và mua bổ sung nến, nhang trầm hương nếu còn thiếu.
>> Xem thêm: Gợi ý cách lau dọn bàn thờ ngày Tết để thu hút tài lộc
Tiếp đến bước chuẩn bị mâm cúng rước ông bà. Hãy nhớ rằng, hoàn toàn không có một quy chuẩn nào trong việc chuẩn bị và sắp xếp mâm cơm cúng lễ. Chính vì vậy, bạn hãy cân nhắc vào điều kiện kinh tế hiện tại của gia đình để chuẩn bị, miễn sao gọn gàng và tươm tất là được.
Sau đây là các món cúng rước ông bà thường xuất hiện trong mâm lễ. Bạn có thể tham khảo để chuẩn bị cho lễ cúng mời ông bà về ăn Tết năm nay:
- Mâm cơm lễ: Bạn có thể chuẩn bị mâm lễ chay hoặc mặn tùy sở thích và truyền thống của gia đình. Các món cúng rước ông bà thường có gà luộc, nem rán, dưa hành, một món xào, một món canh,… Đừng quên trang trí mâm cỗ Tết để trông tươm tất hơn nhé.
- Hoa quả tươi: Người Việt thường sử dụng mâm ngũ quả (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung) hoặc một cặp dưa hấu tròn, bưởi da xanh tùy gia đình.
- Hoa tươi: Bạn có thể chọn các loại hoa có màu sắc tươi sáng và ý nghĩa tốt đẹp như hoa đào, hoa mai, hoa cúc, hoa lay ơn,… Lưu ý, tuyệt đối không chưng hoa ly và hoa giả trên bàn thờ để tránh gặp điềm không may trong năm mới.
- Vật phẩm thờ cúng: Các món cần chuẩn bị bao gồm tiền giấy, vàng mã, nến thờ hoặc đèn dầu, nhang trầm hương, trầu cau.
- Các vật phẩm khác: Bạn có thể chuẩn bị thêm một số loại đồ uống như rượu, bia, trà, nước ngọt,… để bài trí trên mâm lễ.
>> Xem thêm: Cách trang trí bàn thờ ngày Tết và những điều kiêng kỵ khi lau dọn
Bài văn khấn rước ông bà
Văn khấn rước ông bà là yếu tố vô cùng quan trọng trong lễ cúng mời ông bà về ăn Tết. Tùy vào vùng miền cũng như truyền thống của từng gia đình mà văn khấn đón ông bà ngày 30 Tết có thể khác nhau. Dưới đây là hai bài văn khấn đón ông bà ngày Tết đầy đủ và chuẩn xác nhất mà bạn có thể tham khảo:
Bài số 1: Đây là Văn khấn rước ông bà được trích từ quyển Văn khấn cổ truyền Việt Nam của NXB Văn hóa – Thông tin:
“Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.
Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.
Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.
Con kính lạy chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ………………
Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm………………
Tín chủ (chúng) con là:………………
Ngụ tại………………
Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.
Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.
Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận.
Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật! “
Bài số 2: Đây là bài cúng rước ông bà ngày 30 Tết ngắn gọn, phổ biến hơn
“Hôm nay, ngày……………… tháng……………… năm………………
Tại:………………
Tín chủ con là……………… cùng với toàn gia kính bái..
Nay nhân ngày……………….
Kính cẩn sắm một lễ gồm……………… gọi là lễ mọn lòng thành, kính dâng lên:
Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia tiên sư, bản viên thổ công, liệt vị tôn thần.
Trước linh vị của………………
Và các vị tổ bá, tổ thúc, tổ cô, cùng các vong linh phụ thờ theo tiên tổ.
Kính cẩn thưa rằng: Năm cũ sắp hết, ngày Tết tới gần, chuẩn bị mừng xuân.
Kính cáo: thổ, địa, chư vị linh thần.
Kính mời: Vong linh tiên tổ về với gia đình để cháu con phụng sự.
Cẩn cáo!”
Một số câu hỏi thường gặp khi cúng rước ông bà
Ở phần cuối cùng, hãy cùng Shopee Blog trả lời các câu hỏi thường gặp khi cúng rước ông bà về ăn Tết. Đừng bỏ qua nhé, vì phần này sẽ giúp bạn chuẩn bị tươm tất và chu đáo hơn cho buổi lễ cúng rước ông bà.
Cúng rước ông bà mấy chén cơm?
Cúng rước ông bà mấy chén cơm là câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc. Nếu bạn cũng có cùng nỗi băn khoăn thì 4 chén là câu trả lời chính xác nhất. Vì 4 chén là dấu hiệu tượng trưng cho 4 đời ông bà. Chính vì vậy, hãy lưu ý rằng, dù bạn có chuẩn bị mâm cúng linh đình đến mấy thì khi bày lên cúng mời ông bà về ăn Tết, chỉ được dọn 4 chén cơm và 4 đôi đũa.
Ai là người phù hợp nhất để cúng mời ông bà về ăn Tết?
Bên cạnh vấn đề cúng rước ông bà mấy chén cơm thì ai là người phù hợp nhất để cúng rước ông bà về ăn Tết cũng được nhiều người quan tâm. Ở đây, bạn sẽ có hai lựa chọn:
- Một là gia chủ, cụ thể là chủ nhà hoặc người đàn ông trụ cột trong gia đình.
- Hai là người lớn tuổi nhất trong nhà, cụ thể là ông, bà, ông cố, bà cố có vai vị lớn nhất trong gia đình. Tốt nhất là chọn người có hiểu biết về nghi lễ và văn khấn.
Người làm lễ và đọc bài cúng rước ông bà ngày 30 Tết cần tắm rửa sạch sẽ và mặc đồ lịch sự, gọn gàng. Ngoài ra, trước khi cúng bái, người làm lễ có thể tắm hoặc xông người bằng nước nấu từ các loại lá thiên nhiên để thanh tẩy bụi bẩn, điềm xấu.
Cần tránh làm gì khi thực hiện lễ cúng rước ông bà?
Khi thực hiện cúng mời ông bà về ăn Tết, bạn cần kiêng kị và hạn chế những điều sau để không đánh mất lộc của bản thân cùng gia đình:
- Chửi rủa, nói lời không may: Tất cả mọi người nên hạn chế nói những lời không may hoặc chửi rủa, phát ngôn thiếu tôn trọng trong lễ cúng. Đồng thời, tuyệt đối không xô xát hay tác động vũ lực với nhau ngay trước bàn thờ gia tiên.
- Để hương lụi tàn: Sau khi hoàn thành lễ cúng rước ông bà, gia chủ lưu ý phải để hương cháy liên tục, không để hương lụi tàn. Để thuận tiện hơn, bạn có thể dùng các loại hương vòng chuyên dụng cho bàn thờ tổ tiên.
- Sử dụng đồ giả: Bạn không nên bài trí hoa giả hay trái cây giả lên bàn thờ vì điều này sẽ ảnh hưởng vận khí của gia đình bạn. Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng lại đồ cũ trong những buổi lễ khác để cúng mời ông bà bạn nhé!
Trên đây là cách cúng rước ông bà đầy đủ, chi tiết và chuẩn xác nhất mà Shopee Blog muốn gửi đến bạn. Để mua sắm thỏa thích cho Xuân Ất Tỵ, hãy ghé Shopee ngay để tận hưởng các chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm. Ngoài ra, đừng quên nhấn theo dõi chuyên mục sự kiện của Shopee Blog để cập nhật các tin tức thú vị về nhà cửa đời sống và mẹo làm bếp trong mùa Tết này nhé!
>> Xem thêm: Các ngày cúng Tết quan trọng để cầu chúc cả năm bình an