Chó Mông cộc hay còn gọi là chó H’mông. Giống chó này được mệnh danh là một trong “Tứ đại quốc khuyển” của Việt Nam. Chó Mông cộc được người dân Tây Bắc xem như báu vật trong nhà vì là trợ thủ đi săn đắc lực. Dưới đây, Shopee Blog sẽ bật mí cách nhận biết chó Mông cộc chuẩn.
>> Xem thêm: Top những giống chó thông minh dễ nuôi được ưa thích
Nguồn gốc của giống chó Mông cộc
Chó Mông cộc được nuôi ở vùng núi Tây Bắc. Đối với người dân nơi đây, chó Mông cộc là một trợ thủ đắc lực và người bạn trung thành của họ. Trước kia, chó Mông cộc là được dùng để trông nhà, đi săn,… Ngày nay, giống chó này đã được huấn luyện để tham gia vào các đội phòng chống tội phạm. Vì lý do đó mà chúng được xem là một trong Tứ đại quốc khuyển của quốc gia.
Cách nhận biết chó Mông cộc chuẩn
Nếu chưa rõ về giống chó này, bạn có thể nhận diện chúng theo một số cách nhận biết chó Mông cộc chuẩn sau đây.
Đặc điểm cơ thể
Chó Mông cộc mang ngoại hình của một loài chó săn với cơ thể săn chắc và nhiều cơ bắp. Sở hữu thân thể khỏe mạnh, chó Mông cộc vừa có thể đi săn vừa có thể làm rất tốt nhiệm vụ trông nhà giữ của.
Giống chó Mông cộc này khi trưởng thành sẽ có cân nặng dao động từ 15-25kg và chiều dài từ 50- 55cm. Lưng thẳng và rộng trông rất vững chãi kèm các vệt đỏ dọc sống lưng. Chúng có một chiếc đầu to nên hộp sọ khá lớn và rất thông minh.
Chó Mông cộc sở hữu một chiếc mõm rộng nhưng ngắn, hàm răng chắc khoẻ và có răng nanh để cắn xé con mồi. Mũi của loài chó này có kích thước trung bình và có màu đen. Mắt chúng khá to, có hình ovan, hơi xếch một chút và không bị lồi. Tai của Mông cộc có hình tam giác dựng đứng và luôn hướng về phía trước. Ngoài ra, chó Mông cộc có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt vì chúng có một lớp da dày.
Điểm nổi bật của các loài chó Mông cộc là sự nhanh nhẹn, thông minh, nhạy bén giúp chúng vượt qua các chướng ngại vật.
Đặc điểm lông và đuôi
Tên gọi Mông cộc xuất phát từ việc đuôi của chúng cụt ngủn trông rất đáng yêu. Giống chó này có đuôi cộc bẩm sinh, thường chỉ dài từ 3 cho đến 13cm. Chó Mông cộc có 3 giống khác nhau, cách nhận biết chó Mông cộc thường dựa vào 3 kiểu đuôi sau đây.
- Mông cộc tịt: Giống này gần như không có đuôi. Đuôi của chúng chỉ tầm 1cm và có một nhúm lông. Đây cũng là đặc điểm dễ phân biệt chúng với 2 giống còn lại. Tuy vậy, chú chó Mông cộc có đuôi càng ngắn thì giá trị lại càng cao.
- Mông cộc thỏ: Gọi là Mông cộc thỏ vì chúng có chiếc đuôi vểnh lên y hệt đuôi thỏ. Giống này có đuôi dài từ 3 đến 5cm.
- Mông cộc lửng: Đây là giống có đuôi dài nhất trong 3 giống. Cộc lửng có đuôi dài khoảng 10cm. Loài này không được ưa chuộng nhiều vì mọi người thường muốn tìm loại cộc tịt như đúng tên gọi Mông cộc.
Ngoài đuôi ra, bộ lông của chó Mông cộc cũng được đánh giá cao. Chúng có bộ lông 2 lớp óng mượt và dày dặn. Mông cộc thuần có 3 màu lông điển hình như đen, màu vện và màu hung nâu. Đây đều là những màu phổ biến và được ưa chuộng. Đặc biệt, Mông cộc có màu đỏ sậm rất quý hiếm vì màu lông này không phổ biến và khó tìm. Ngoài những màu trên, Mông cộc cũng có lông màu trắng hoặc vàng nhạt nhưng số lượng ít.
Đặc điểm tính cách
Chó Mông cộc là giống thông minh và có trí nhớ rất tốt. Chúng có thể nhớ đường một cách cẩn thận. Được nuôi nhiều ở vùng Tây Bắc, chúng cũng hình thành thói quen thích nghi với địa hình hiểm trở và nguy hiểm.
Trung thành được xem là tính cách nổi bật của chó Mông cộc. Chúng rất nghe lời chủ nhân và làm việc rất nhiệt tình. Ngoài thức ăn từ chủ nhân, chó Mông cộc rất cẩn thận và sẽ không ăn đồ ăn từ người khác cho. Đây cũng là tính cách giúp chó Mông cộc trông nhà rất tốt.
>> Xem thêm: Truy lùng 13 giống chó nhỏ đáng yêu khiến bạn bị tan chảy
Cách chăm sóc chó Mông cộc?
Cũng như cách chăm sóc thú cưng khá, chó Mông cộc cũng có nhiều điểm cần lưu ý khi nuôi dạy. Cụ thể như sau:
Chế độ dinh dưỡng
- Giống như những giống chó khác, chó Mông cộc con và chó trưởng thành cũng có những khác biệt. Thức ăn cho thú cưng ở độ tuổi sơ sinh ưu tiên nhất vẫn là sữa mẹ, chó Mông cộc con cũng không ngoại lệ. Đến giai đoạn lớn hơn, khi hệ tiêu hoá đã hoàn thiện, có thể cho chúng tập nhai bằng cách bổ sung các thực phẩm nấu chín.
- Khi đến độ tuổi trưởng thành, chó Mông cộc có thể ăn các thực phẩm sống. Tuy nhiên, các loại đồ sống này không phải các thức ăn bị hư hay ôi thiu. Chó trưởng thành thường hoạt động nhiều nên cần tăng dần lượng đạm, lượng thức ăn trong mỗi bữa ăn. Vì ăn đồ sống nên bạn cần tẩy giun sán định kỳ 6 tháng 1 lần cho chó cưng.
Sinh hoạt & Huấn luyện
- Vì nguồn gốc là chó săn nên chó Mông cộc rất thích hoạt động. Chúng cần không gian rộng rãi để chạy nhảy, vận động. Vì tính cảnh giác cao nên khi ra ngoài, bạn nên đeo rọ mõm cho chúng để tránh gây tổn thương cho người xung quanh.
- Bạn có thể dùng thức ăn làm phần thưởng để tập cho chó Mông cộc cách ngồi, ra lệnh đi đứng hoặc tìm đồ. Khi ra mệnh lệnh cho chúng, bạn nên nhìn thẳng nghiêm túc để chúng tập quen và có thể cho đồ ăn khi chúng làm đúng. Là giống chó thông minh, nên khi lặp đi lặp lại nhiều lần thì chắc chắn chó Mông cộc sẽ học được.
Vệ sinh
- Vào mùa hè, bạn nên tắm thường xuyên cho chúng. Ít nhất là 1 tuần 1 lần để tránh vi khuẩn xâm nhập. Sau đó, lau khô ngay khi tắm xong để tránh đất cát lại dính vào lông khi lông còn ướt.
- Nhất là vào mùa đông, bạn nên lau khô để tránh chúng bị cảm lạnh.
Chó Mông cộc giá bao nhiêu?
Mức giá của chó Mông cộc sẽ phụ thuộc vào độ thuần chủng của chúng. Cụ thể như sau:
- Đối với các giống chó nhỏ, độ thuần chủng thấp, lai nhiều: giá sẽ dao động từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng.
- Đối với các giống chó thuần chủng cao: sẽ có giá từ 1,5 triệu đến 8 triệu đồng.
Vậy là Shopee Blog vừa gửi đến bạn một số cách nhận biết chó Mông cộc chuẩn. Bỏ ra một mức giá tầm trung để sở hữu một chú chó thông minh, nhanh nhẹn, trung thành là việc khá hợp lý. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn.
>> Xem thêm: Tại sao chó bỏ ăn? Bạn có đang cho chó ăn đúng cách?