Máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 là một trong những thiết bị hỗ trợ người bệnh theo dõi tình trạng sức khỏe, cũng như giúp những người đang mắc bệnh COVID-19 có thể phát hiện kịp thời tình trạng thiếu oxy trong máu. Việc sử dụng máy đo SpO2 bằng cách kẹp ngón tay khá đơn giản nhưng cũng cần phải chú ý đến một số những yếu tố quan trọng để không tình trạng sai số trong quá trình thực hiện. Hãy cùng Shopee tìm hiểu thêm về cách sử dụng máy đo SpO2 trong bài viết dưới đây nhé.
Máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) là gì?
Máy đo SpO2 (Saturation Of Peripheral Oxygen) là một trong những thiết bị y tế được dùng để đo độ bão hòa oxy trong máu, kết hợp cùng đo nhịp tim thông qua các đầu ngón tay. Thiết bị có thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng bỏ túi khi đi xa, giúp theo dõi và kiểm tra nồng độ oxy trong máu, từ đó phát hiện kịp thời các tình trạng bệnh nhân thiếu oxy trong máu nhưng cơ thể lại hoàn toàn bình thường để đưa đến các cơ sở y tế gần nhất chữa trị.
Sử dụng máy đo SpO2 không gây đau, không xâm lấn, hoạt động dựa theo nguyên lý các phép đo xung. Khi kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay, đầu dò cảm ứng sẽ phát ra tia hồng ngoại rồi đi xuyên qua các mô có mao mạch máu nhỏ. Lúc này, các tia hồng ngoại sẽ được lượng hồng cầu có trong các mao mạch hấp thụ một phần. Từ lượng ánh sáng chưa được hấp thụ, máy đo SpO2 sẽ tự động tính ra lượng hồng cầu chứa oxy rồi từ đó cho ra kết quả.
Cách sử dụng máy đo SpO2
Máy đo SpO2 giúp phát hiện tình trạng suy giảm oxy trong máu nhanh chóng đối với những người đang mắc các bệnh lý như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, hội chứng ngưng thở khi ngủ, viêm phổi,… và đặc biệt là những bệnh bị nhiễm SARS – CoV2. Chỉ số SpO2 sẽ giúp đánh giá được mức độ nặng nhẹ của việc suy giảm hô hấp ở người bệnh nhiễm Covid, từ đó có thể dễ dàng theo dõi và đề ra những phương pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp với bệnh nhân, giúp xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ cũng như tăng cơ hội sống sót cho người bệnh.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại máy đo nồng độ oxy trong máu khác nhau đến từ nhiều thương hiệu trong và ngoài nước, với các mức giá đa dạng. Vì thế trước khi đến với cách sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu, bạn cần tìm hiểu qua 2 thông số cơ bản sau đây nhé:
- Chỉ số SpO2: là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi, được thể hiện dưới dạng phần trăm.
- Nhịp mạch (PR – Pulse Rate): có đơn vị đo là nhịp/phút.
Sau đây sẽ là những bước hướng dẫn sử dụng máy Pulse Oximeter tại nhà chi tiết nhất mà bạn có thể tham khảo:
- Bước 1: Trước khi tiến hành đo nồng độ oxy trong máu, đầu tiên bạn cần phải kiểm tra tổng quát tình trạng của máy như pin, nút nguồn, ánh sáng của tia hồng ngoại, màn hình hiển thị,… để đảm bảo máy đo cho chỉ số chính xác nhất.
- Bước 2: Xoa ấm lòng bàn tay trước khi tiến hành đo để có được kết quả chính xác hơn.
- Bước 3: Mở kẹp của máy rồi đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm sát đến điểm cuối cùng của máy.
- Bước 4: Để khởi động máy đo, bạn thực hiện bằng cách nhấn vào nút nguồn. Sau vài giây trở đi, máy sẽ từ từ hiện kết quả trên màn hình. Lưu ý, bạn không được di chuyển tay trong quá trình đo vì điều này có thể dẫn đến sai số.
- Bước 5: Khi có được kết quả, bạn chỉ cần rút tay ra khỏi máy. Sau vài giây ngắn ngủi máy sẽ tự động tắt.
Cách đọc chỉ số máy đo SpO2 và nhịp tim
Chỉ số SpO2
Chỉ số SpO2 sẽ được hiển thị ngay vị trí SpO2 trên màn hình máy đo. Ở người lớn, ta có thể dựa vào chỉ số SpO2 để đánh giá mức độ nặng nhẹ như sau:
- Chỉ số SpO2 từ 94 – 99%: độ bão hòa oxy trong máu ở mức độ bình thường.
- Chỉ số SpO2 từ 90 – 93%: độ bão hòa oxy trong máu ở mức thấp, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu như suy hô hấp,… cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế và gặp bác sĩ để hồi sức cấp cứu.
- Chỉ số SpO2 dưới 90%: bạn cần liên hệ ngay đến các cơ sở ý tế để được chữa trị kịp thời.
- Lưu ý: Người bị nhiễm Covid-19 khi có chỉ số SpO2 dưới 94% cần phải được chỉ định thở oxy.
Cách đo SpO2 cho trẻ sơ sinh cũng hoàn toàn giống với người lớn. Khi chỉ số SpO2 ở trẻ lớn hơn 94% thì đây được xem là mức độ an toàn. Ngược lại, chỉ số SpO2 dưới 90% cần phải được sự can thiệp và xử lý kịp thời từ bác sĩ và cơ sở y tế.
Nhịp mạch
Nhịp mạch sẽ được hiển thị ở dạng số (có đơn vị đo là nhịp/phút), được hiểu thị ngay ở vị trí có chữ PR hoặc biểu tượng hình trái tim, tùy vào loại máy đo.
- Phạm vi đo: từ 0 đến 254 nhịp/phút.
Đối với người lớn, lúc nghỉ ngơi sẽ có nhịp mạch dao động từ 60 đến 100 nhịp/phút. Đây được xem là mức độ an toàn.
Những lưu ý khi sử dụng máy đo SpO2
Cách sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu khá đơn giản, tuy nhiên bạn cũng cần phải chú ý một số những điều sau để có được kết quả đúng nhất:
- Không nên đo SpO2 khi người bệnh vừa vận động nặng hoặc mới vừa ăn cơm. Cơ thể đang ở trạng thái thoải mái nhất sẽ là thời điểm thích hợp để đo SpO2.
- Không được di chuyển hoặc cử động ngón tay trong quá trình đo để nhận được kết quả chính xác nhất.
- Không được sử dụng móng tay giả hoặc sơn móng tay khi đo SpO2 vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả. Bạn nên cắt, chùi và tẩy rửa ngón tay thật sạch trước khi đo.
- Người dùng không nên đo SpO2 ở những nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình đo, dẫn đến cho kết quả không chính xác.
Trên đây là cách sử dụng máy đo SpO2 đúng cách ngay tại nhà mà Shopee Vietnam muốn giới thiệu cho bạn. Hy vọng bài viết này có thể mang đến nhiều thông tin bổ ích cho bạn.
>> Xem thêm: Nên mua máy đo huyết áp loại nào giúp theo dõi sức khỏe