Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự hoạt động lành mạnh của cơ thể. Việc thiếu hụt Vitamin C có thể dẫn đến nhiều căn bệnh tiềm ẩn và gây ra các biến chứng sau này. Lúc đó cơ thể sẽ phản ứng lại và xuất hiện một số dấu hiệu thiếu Vitamin C cụ thể. Cùng Shopee Blog tìm hiểu ngay nhé!
Vitamin C là gì? Vai trò của vitamin C đối với cơ thể
Như vậy Vitamin C là gì mà lại được xem là chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể chúng ta như vậy?
Khái niệm Vitamin C
Vitamin C còn được gọi là Acid Ascorbic một hợp chất có nhiều chức năng quan trọng trong việc hình thành collagen, mạch máu, sụn và cơ, chất dẫn truyền thần kinh. Nguồn cung cấp vitamin C trong các loại thực phẩm như: hoa quả có múi, cà chua, khoai tây, bông cải xanh, dâu tây, ớt ngọt.
Vai trò của Vitamin C
Vitamin rất quan trọng trong việc cải thiện chức năng hoạt động của các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Một số vai trò thiết yếu của Vitamin C như:
- Hình thành collagen, carnitine, hormone và axit amin trong cơ thể. Giúp da, dây chằng, cơ phát triển và hỗ trợ làm lành vết cắt và vết trầy xước nhanh chóng.
- Hỗ trợ hệ miễn dịch đồng thời giúp chống oxy hóa và bảo vệ các tế bào trong cơ thể.
- Tham gia vào việc tổng hợp và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể.
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, kiểm soát huyết áp đối với những người bị huyết áp cao.
- Tham gia vào quá trình chuyển hóa protid, lipid, glucid và tổng hợp một số chất như catecholamin, hormon vỏ thượng thận, tăng tạo ra interferon giúp sức đề kháng trở nên tốt hơn.
- Tăng khả năng hấp thu Calci vào cơ thể giúp xương khỏe mạnh.
Dấu hiệu thiếu vitamin C
Ở một số nước, tình trạng thiếu vitamin C có thể được xem như một phần của căn bệnh suy dinh dưỡng. Ở mức nghiêm trọng hơn tình trạng này còn được gọi là bệnh Scurvy. Khi lượng vitamin C trong cơ thể người thường bị thiếu hụt thì sẽ có rất ít những biểu hiện rõ ràng, chỉ khi tình trạng đã kéo dài và trở nên trầm trọng thì các triệu chứng thiếu vitamin C sẽ biểu hiện ra như sau:
- Tăng cân bất thường không rõ nguyên nhân.
- Xuất huyết dưới da, xuất huyết khớp, suy yếu các mao mạch, chảy máu kết mạc mắt, cơ thể dễ bị bầm tím.
- Viêm lợi, chảy máu chân răng khiến răng yếu, lỏng lẻo và dễ gãy.
- Phụ nữ khi hành kinh sẽ ra xuất huyết hơn bình thường hay bị rong kinh.
- Suy giảm miễn dịch dễ bị cảm lạnh, viêm họng, sốt,….
- Da khô, dễ cháy nắng, xỉn màu, trên mặt dần hình thành các nếp nhăn kém sắc.
- Chảy máu cam thường xuyên và khó kiểm soát.
- Tinh thần uể oải, yếu ớt, dễ cáu kỉnh
- Đau cơ, khớp không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sự phát triển xương có thể bị suy giảm. Vì vậy các dấu hiệu thiếu vitamin C cần được chẩn đoán dựa vào lâm sàng để phát hiện và điều trị kịp thời.
>>Xem thêm: Lưu ý khi dùng Vitamin C giúp da luôn khỏe mạnh
Nguyên nhân thiếu vitamin C
Những yếu tố nguy cơ thường gặp nhất gây thiếu vitamin C ở người lớn là do chế độ ăn, ăn thiếu trái cây tươi và rau quả. Ngoài ra, trong quá trình nấu chín thức ăn cũng có thể phá hủy một số vitamin C trong thực phẩm.
Trong một số trường hợp, cơ thể cần hấp thụ nhiều vitamin C hơn bình thường, tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin C như:
- Phụ nữ trong thai kỳ và đang cho con bú
- Người bị sốt cao hoặc viêm nhiễm
- Bệnh tiêu chảy kéo dài hay hậu phẫu thuật
- Thiếu axit dịch vị, sắt,…
Ngoài ra các chất kích thích như thuốc lá, rượu cũng làm tăng nhu cầu vitamin C lên 30%. Vì vậy nếu không được bổ sung Vitamin C trong những thời điểm này có thể dẫn đến tình trạng thiếu Vitamin C trầm trọng.
>>Xem thêm: Bạn có biết: Những loại trái cây nào nhiều Vitamin C nhất?
Thiếu vitamin C gây bệnh gì?
Hiện nay tình trạng thiếu vitamin C khá hiếm gặp tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sẽ dẫn tới một số tác hại như sau:
- Bệnh thiếu máu: Cơ thể hấp thu không đủ lượng sắt cần thiết sẽ gây nên tình trạng thiếu máu.
- Bệnh loãng xương, thoái hóa khớp: trường hợp này thường xuất hiện ở người thiếu Vitamin C đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi.
- Bệnh tim mạch: Một số bệnh lý về tim mạch có thể liên quan đến việc cơ thể thiếu hoặc thừa vitamin C như bệnh suy giảm chức năng tim, yếu mạch, thoát mạch, thành mạch kém bền,…
- Bệnh Scorbut: Là một trong những căn bệnh điển hình với những người có tình trạng này và sẽ kéo dài đi kèm với các triệu chứng như chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, viêm lợi,….
- Ung thư: Khi lượng vitamin C bị thiếu hụt, sức đề kháng yếu khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi các gốc tự do và về lâu dài có thể dẫn tới một số bệnh ung thư.
Thiếu vitamin C nên ăn gì? Cách bổ sung Vitamin C cho cơ thể
Tình trạng thiếu Vitamin nghiêm trọng có thể gây tổn hại đến sức khỏe của cơ thể. Để cải thiện vấn đề này bạn cần bổ sung vitamin C và kết hợp với một chế độ ăn bổ dưỡng.
Nguồn bổ sung vitamin C dồi dào nhất cho cơ thể chính là trái cây và rau củ. Chính vì vậy khi phát hiện những dấu hiệu cho thấy mình thiếu vitamin C, bạn nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm này trong các bữa ăn.
Một số loại rau quả chứa nhiều vitamin C như:
- Trái cây có múi: Cam, chanh, bưởi,…
- Quả mọng: Dâu tây, mâm xôi, việt quất,…
- Trái cây nhiệt đới: Đu đủ, dứa, ổi, kiwi, xoài, vải thiều, dưa hấu,…
- Các loại rau củ: Rau chân vịt, ớt chuông, đậu Hà Lan, cà chua, súp lơ, bắp cải, bông cải xanh, bắp cải Brussels, khoai tây,…
Trong trường hợp chế độ ăn không cung cấp đủ lượng vitamin C cần thiết, bạn có thể bổ sung Vitamin bằng cách sử dụng các thực phẩm chức năng chứa vitamin C ở các dạng nước uống, viên nén, viên nang hay C sủi,…
Tình trạng thiếu hay thừa vitamin C cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ thể bạn. Vì vậy bạn nên cân bằng lượng khoáng chất nạp vào hàng ngày tránh việc lạm dụng quá mức cần thiết. Nếu bạn nạp quá nhiều vitamin C vào cơ thể sẽ rất khó đào thải và dẫn đến đau dạ dày, tiêu chảy, thậm chí sỏi thận.
Như vậy Shopee Blog đã cùng bạn tìm hiểu về những dấu hiệu thiếu Vitamin C và cách bổ sung cũng như phòng tránh tốt nhất. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe và có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bên cạnh đó cũng đừng quên theo dõi Shopee Blog để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích mỗi ngày nhé!
>>Xem thêm: Tổng hợp các dòng Vitamin C tốt nhất hiện nay