Gaslighting là gì? Nếu bạn đang ở trong tình trạng hoang mang, mơ hồ và nghi ngờ nhận thức của bản thân khi khi ở cạnh ai đó, thì những thông tin bên dưới chắc chắn sẽ hữu ích với bạn. Hãy cùng Shopee Blog tìm hiểu chi tiết nhé!
Gaslighting là gì?
Thuật ngữ “gaslighting” bắt nguồn từ vở kịch nói “Gas Light” của Anh vào năm 1938. Trong vở kịch đó, người chồng cố gắng cô lập vợ mình và khiến cô tin rằng bản thân là người điên. Anh ta giảm độ sáng của các bóng đèn gas trong nhà. Khi người vợ nhận thấy có điều khác thường và nói với chồng, anh ta một mực phủ nhận và cho rằng người vợ chỉ đang tưởng tượng.
Năm 1944, đạo diễn George Cukor cũng đã sản xuất một bộ phim mang tên Gaslight với nội dung tương tự. Ngoài việc can thiệp vào độ sáng của bóng đèn, người chồng trong phim còn di chuyển các bức tranh, tạo ra tiếng bước chân…. Tất cả nhằm mục đích khiến người vợ cảm thấy mình bị điên.
Gaslighting là hình thức bạo hành tinh thần nghiêm trọng khi làm cho nạn nhân nghi ngờ về năng lực nhận thức và cảm xúc của chính họ. Bằng cách này, kẻ lạm dụng có thể dễ dàng thao túng và áp đặt ý muốn của mình lên nạn nhân. Mặt khác, nạn nhân sau khi mất niềm tin vào chính mình sẽ trở nên lệ thuộc vào kẻ lạm dụng.
Theo một bài báo viết trên American Sociology Association, gaslighting là một hình thức lạm dụng tâm lý nhằm mục đích làm cho nạn nhân mơ hồ, cảm thấy mình không được tỉnh táo, thậm chí bị “điên”. Gaslighting hiện nay được sử dụng để mô tả một kỹ thuật điều khiển tâm trí, trong đó người lạm dụng cố gắng thuyết phục nạn nhân rằng những điều họ nghĩ là sai để họ nghi ngờ bản thân.

Chiêu thức của một gaslighter
Một kẻ có ý định gaslight thường xây dựng hình ảnh vô cùng tốt đẹp, sẵn sàng dành những lời có cánh cho bạn, thậm chí không ngần ngại chia sẻ những điều riêng tư với bạn. Đây là cách kẻ lạm dụng thiết lập niềm tin với con mồi của họ.
Khi mối quan hệ trở nên khăng khít cũng là lúc các hành vi và lời nói thao túng bắt đầu. Kẻ thao túng sẽ liên tục tạo ra những hành động làm xáo trộn cuộc sống của bạn, sau đó đổ lỗi cho bạn đang nói dối, bịa đặt hoặc bị hoang tưởng. Mức độ nói dối dần nghiêm trọng và sai lệch theo thời gian.
Khi liên tục bị tác động, nạn nhân sẽ có cảm giác hoang mang và nghi ngờ chính bản thân mình. Không chỉ vậy, kẻ lạm dụng còn huy động sức mạnh bầy đàn khi nói với người khác rằng bạn bị ảo tưởng hoặc đang nói dối. Điều này khiến bạn bị mắc kẹt và không thể nào thoát khỏi bàn tay của họ.
Khi nạn nhân nhận ra mình đang bị gaslight thì ngay lập tức kẻ lạm dụng sẽ diễn trò, thể hiện rằng họ yêu quý nạn nhân đến mức nào đồng thời ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của bản thân. Hơn thế, họ còn vẽ ra một viễn cảnh tốt đẹp khi nạn nhân ở bên cạnh họ khiến nạn nhân tiếp tục bị giam hãm tinh thần.

Ai có khả năng trở thành một kẻ gaslight?
Những người có xu hướng sử dụng dạng bạo hành này thường là người bị rối loạn nhân cách hay người ái kỷ. Họ bị ám ảnh bởi việc điều khiển người khác và cảm thấy hả hê khi thấy đối phương yếu đuối, phụ thuộc và nằm gọn trong tầm kiểm soát của mình.

Câu cửa miệng của kẻ gaslighting
Lời nói là một trong những vũ khí sắc bén mà kẻ gaslighting tận dụng để điều khiển nạn nhân, trong đó một số câu phổ biến như là:
- Em nhạy cảm quá rồi: Mục đích của câu nói này là hạ thấp sự tổn thương, khiến cho nạn nhân cảm thấy cảm xúc của họ mới là vấn đề chứ không phải hành vi của của kẻ gaslighting.
- Chuyện này không bao giờ có thể xảy ra: Mục đích của câu này là khiến nạn nhân nghi ngờ khả năng ghi nhớ của mình.
- Mọi người đều nghĩ như anh: Mục đích của câu này là để nạn nhân cảm thấy họ đơn độc, không có ai muốn đứng về phía họ.
- Em nghĩ quá nhiều rồi: Mục đích của câu này là đổ lỗi cho nạn nhân.

Self-gaslighting là gì?
Trong nhiều trường hợp, bạn có thể trở thành kẻ đang tự bạo hành tinh thần chính mình. Self-gaslighting là quá trình nạn nhân nội tâm hóa sự lạm dụng hoặc không có bất kỳ hành động nào để bảo vệ bản thân, thậm chí còn tự chấn an bản thân theo mong muốn của kẻ lạm dụng. Biểu hiện của self-gaslighting là những câu như:
- Có lẽ anh ấy nói đúng! Mình nghĩ quá nhiều rồi!
- Nếu mình mạnh mẽ hơn thì mình sẽ không cảm thấy như thế này.
- Thực ra anh ấy không có ý như mình nghĩ.
- Có lẽ mọi chuyện không phải là như vậy.
- Người ta không tin mình là do mình không đáng tin.
- Chắc tại mình nhạy cảm quá thôi!
- Mình xứng đáng gặp những chuyện này.
Những câu bề ngoài có vẻ an ủi trên thực chất là một dạng gaslighting do chính bạn tác động lên bản thân. Chúng khiến bạn sống trong tình trạng khổ sở, lo lắng, căng thẳng rồi dần đánh mất lòng tự trọng và sự tự tôn của bản thân.
>> Xem thêm: Trap girl là gì? Dấu hiệu bạn đã gặp phải một trap girl girl là gì?

Bạn có đang bị gaslighting?
Gaslighting vẫn đang diễn ra hàng ngày mà đôi khi chính bạn cũng không thể tự nhận thức được. Dưới đây là những biểu hiện rõ rệt nhất của gaslighting nói chung và trong các mối quan hệ.
Những biểu hiện chung của gaslighting
Mỗi hành vi bên dưới đều gây nguy hại lên nạn nhân và khi chúng được thực hiện cùng lúc trong thời gian dài, chúng sẽ kích động cảm xúc và tâm trí của nạn nhân, khiến họ sụp đổ:
- Nói dối trắng trợn và tinh vi.
- Hạ thấp và làm nhục người khác.
- Sử dụng silent treatment – bạo lực lạnh với đối phương.
- Cố ý chuyển hướng hoặc phản bác các lập luận của đối phương.
- Coi nhẹ cảm xúc hoặc mối quan tâm của ai đó.
- Phủ nhận lỗi của bản thân và đổ lỗi cho người khác.
- Luôn khiến người khác cảm thấy xấu hổ, tội lỗi.
- Cô lập người khác khỏi mạng lưới mối quan hệ của họ.

Những dấu hiệu gaslighting trong tình yêu
Tình yêu là mối quan hệ phổ biến nhất khi ai đó muốn gaslighting con mồi của mình bởi sự kết nối này thường bắt đầu bằng sự lãng mạn và được duy trì bằng niềm tin. Nếu thấy ở đối phương các dấu hiệu này, bạn rất có thể đang bị gaslighting:
- Luôn bóp méo thực tế: Họ ngay lập tức phủ nhận mọi cảm xúc hoặc trí nhớ của bạn mỗi khi bạn nói ra. Nếu bạn nhận thấy mình liên tục phải đoán già đoán non về những gì đang thật sự xảy ra thì bạn cần quan sát nhiều hơn để xác định mình có đang bị gaslight.
- Coi thường cảm xúc của bạn: Những người thật sự yêu nhau sẽ luôn coi trọng cảm xúc của đối phương nên nếu bạn thường xuyên phải nghe những câu như “em nghĩ quá nhiều rồi”, “chuyện có gì đâu mà em phải phản ứng mạnh như vậy?”,… khi bạn đang biểu đạt những cảm xúc khách quan trong tình huống cụ thể, bạn có thể đang gặp phải một kẻ gaslighting.
- Sẵn sàng hạ thấp bạn: Nếu đối phương liên tục nói những lời hạ thấp trí tuệ, ngoại hình, giá trị quan hoặc năng lực của bạn, tức là họ đang cố gắng bào mòn lòng tự trọng.
- Luôn nói “không ai chịu nổi được em”: Những câu nói tương tự tác động nghiêm trọng đến sự tự tin của bạn. Chúng khiến bạn tin rằng mình là kẻ vô dụng và không xứng đáng được yêu thương.
- Cố gắng cô lập bạn: Kẻ gaslighting thường bịa đặt hoặc gieo rắc sự ngờ vực giữa bạn và những người thân thiết nhằm mục đích tách bạn ra khỏi các mối quan hệ khác, để bạn phụ thuộc và dễ bị thao túng hơn.
>> Xem thêm: Transit love là gì? Tình cũ chưa đi, tình mới đã tới?

Những dấu hiệu gaslighting ở nơi làm việc
Môi trường làm việc là nơi con người ta dành hầu hết thời gian trong ngày cũng như dễ dàng tiếp cận với số lượng người khổng lồ. Vì vậy, kẻ có xu hướng gaslighting chắc hẳn sẽ không bỏ qua nơi làm việc để tìm kiếm con mồi. Các dấu hiệu cho thấy bạn đang bị gaslight ở chỗ làm là:
- Không nhất quán trong khi giao nhiệm vụ: Nếu lãnh đạo của bạn yêu cầu bạn thực hiện một công việc vào đầu tuần nhưng liên tiếp thay đổi vào các ngày tiếp theo. Đó là một dấu hiệu cho thấy họ đang cố tình gaslight bạn. Họ khiến bạn mất thời gian, công sức và phải chịu trách nhiệm nếu công việc chung có vấn đề. Tất nhiên, họ sẽ không thừa nhận là chính họ thay đổi ý kiến.
- Phủ nhận lời nói/lời hứa đối với bạn: Lãnh đạo có thể hứa với bạn về việc tăng lương khi xong dự án, đồng nghiệp có thể hứa rằng nếu bạn giúp họ việc này, họ sẽ giải quyết giúp bạn việc khác. Khi bạn nói lại những điều này với họ, họ ngay lập tức phủ nhận. Điều này cho thấy bạn rất có thể đang bị gaslight.
- Chỉ trích bạn công khai: Những lời góp ý là cần thiết nhưng nếu bạn liên tục phải nghe những lời nhận xét tiêu cực, không mang tính xây dựng, đặc biệt là trước mặt tất cả mọi người thì chắc chắn bạn đang bị gaslighting. Chỉ trích công khai chính là cách nhanh nhất để làm một người mất tự tin và lòng tự trọng.
- Phủ nhận vai trò của bạn: Con người ai cũng có nhu cầu được công nhận, nhất là khi họ làm tốt. Nên nếu ai đó loại bỏ công trạng của bạn hoặc cho rằng không có bạn, họ vẫn có thể hoàn thành tốt công việc, bạn nên cẩn thận với tình huống này.
- Đùa cợt về bạn: Dấu hiệu gaslighting rõ rệt nhất giữa đồng nghiệp với nhau chính là nói về ngoại hình, khuyết điểm, khiếm khuyết của người khác bằng thái độ cợt nhả để gây cười. Nếu bạn thường xuyên phải nghe những câu như “đùa một chút thôi mà, có gì đâu mà phải buồn” hoặc “xin lỗi, được chưa?” thì gần như 100% bạn đang bị gaslighting.
>> Xem thêm: Overthinking là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách kiểm soát Overthinking

Hậu quả nặng nề của gaslighting
Liên tục bị gaslighting gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của một người thông qua ba cách sau:
- Mất khả năng kiểm soát: Nạn nhân của gaslight thường phải sống trong trạng thái nghi ngờ, sự lừa dối và cô lập. Những chấn thương này khiến họ mất niềm tin vào bản thân, phụ thuộc vào kẻ lạm dụng và gặp khó khăn trong việc kết nối với người khác.
- Suy nghĩ sai lệch: Người bị gaslighting trong thời gian sẽ tự cho rằng mình bản thân là người có lỗi và không xứng đáng được tôn trọng, được yêu thương hay được giúp đỡ.
- Lo âu: Nạn nhân luôn ở trong tư thế phòng bị vì sợ rằng đối phương sẽ tấn công mình. Sống trong tình trạng căng thẳng sẽ sinh ra lo âu, kéo theo các vấn đề tâm lý nghiêm trọng, trong đó có trầm cảm.
>> Xem thêm: Tiêu chuẩn kép là gì? Cách loại bỏ tiêu chuẩn kép trong xã hội

Làm thế nào để thoát bẫy gaslighting?
Có rất nhiều người có dã tâm muốn thao túng, kiểm soát người khác. Một khi đã rơi vào bẫy, bạn sẽ chịu hậu quả nặng nề về mặt tâm lý và cảm xúc, thậm chí trở nên lệ thuộc hoàn toàn vào họ. Để tránh được cạm bẫy này, bạn nên ghi nhớ các điều sau:
- Tin tưởng vào bản thân mình. Khi bạn nhận thấy điều gì đó có vấn đề, tức là nó thật sự có vấn đề, đừng vì lời nói của ai đó mà bỏ qua khi trong lòng vẫn luôn lấn cấn.
- Tận dụng việc ghi chú để giúp bạn tạo ra chứng cứ đáng tin cậy cho bạn.
- Đặt ra ranh giới cần thiết. Bạn có thể ngắt kết nối hoàn toàn nếu cảm thấy mình bị lạm dụng. Trong trường hợp bắt buộc phải giữ liên hệ, hạn chế tối đa việc chia sẻ với họ những chuyện riêng tư hay khó khăn mà bản thân đang gặp phải.
- Giữ thái độ bình tĩnh và thơ ơ trước những chiêu trò gaslighting, đồng thời cho đối phương thấy biểu hiện tự tin của bạn.

Trên đây là giải nghĩa chi tiết gaslighting là gì và những vấn đề xoay quanh chủ đề gaslighting. Có thể thấy, hình thức lạm dụng tâm lý này vô cùng nguy hiểm khi tác động trực tiếp nhận thức của một người. Nếu mối quan hệ có dấu hiệu gaslighting, hãy tìm cách tự cứu lấy chính mình hoặc tìm đến sự hỗ trợ tâm lý càng sớm càng tốt. Đừng quên theo dõi Shopee Blog để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích cũng như chủ đề giải trí hấp dẫn nhé!
>> Xem thêm: Green Flag là gì? Cách nhận biết Green Flag chuẩn chỉnh