Sả là loại gia vị rất quen thuộc với mỗi gia đình. Ngoài ra, sả còn là thành phần của các loại tinh dầu tốt cho sức khoẻ và giúp kháng khuẩn trong nhà. Trong bài viết dưới đây, Shopee Blog sẽ hướng dẫn bạn cách trồng sả và phương pháp chăm sóc ngay tại nhà.
Đặc điểm của cây sả
Sau đây là một số thông tin khoa học và đặc điểm của cây sả. Cùng Shopee Blog tham khảo nhé.
- Tên gọi khác: Cỏ sả, sả chanh, lá sả hoặc hương mao.
- Tên khoa học: Cymbopogon flexuosus Stapf (sả chanh).
- Họ: Lúa Poaceae.
- Thời gian thu hoạch: Quanh năm.
Đặc tính sinh trưởng của sả
Sả là giống cây thân thảo mọc theo bụi. Mỗi bụi sả sẽ có chiều cao từ 0,8m đến 1,5m. Phần lá và thân sả đều có màu xanh, trông khá giống lá lúa. Phần củ sả có màu trắng hoặc tím và gồm nhiều lớp bao bọc lên nhau.
Sả phát triển rất nhanh. Chồi sả nhú qua các lớp lá và dần dần tạo thành bụi. Những bụi sả này có khả năng chịu hạn rất tốt. Tuy nhiên, để phát triển thành các bụi sả to thì bạn nên trồng ở những nơi có đủ ánh sáng.
Tác dụng của sả
Sả mang lại rất nhiều lợi ích cho đời sống của con người. Cụ thể như sau:
- Gia vị: Sả là một loại nguyên liệu quen thuộc trong các bữa ăn của gia đình Việt. Do chứa tinh dầu thơm tự nhiên, sả được sử dụng như một loại gia vị giúp khử mùi tanh của một số thực phẩm và gia tăng hương vị thơm ngon của món ăn.
- Sát trùng, kháng viêm: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, tinh chất trong sả có khả năng tiêu diệt và ức chế vi khuẩn rất tốt. Các chiết suất tinh dầu sả còn có công dụng kháng viêm và giúp cải thiện tình trạng viêm ruột.
- Giải độc cơ thể: Sả có khả năng loại bỏ các axit uric và một số chất độc trong cơ thể. Do đó, ăn sả giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ các chất độc trong gan, thận và bàng quang.
- Xua đuổi côn trùng: Tinh dầu sả chứa geraniol và citronella. Hai chất này tạo ra một mùi hương thơm mát khiến các loại côn trùng như muỗi, bọ rệp,… tránh xa. Ngoài ra, trồng các bụi sả quanh nhà cũng có tác dụng xua đuổi muỗi và kiến ba khoang rất tốt.
- Góp phần ngăn ngừa ung thư: Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong sả có chứa beta-carotene-1 có thể chống oxy hoá và ngăn ngừa ung thư. Chính vì vậy, sả được khuyến khích nên sử dụng thường trong các bữa ăn hoặc nấu thành trà.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách trồng cây kim tiền trong nhà để mang đến tài lộc
Nên chuẩn bị gì trước khi trồng sả?
Trước khi tìm hiểu cách trồng cây sả và bắt tay vào quá trình trồng sả tại nhà, bạn cần chuẩn bị những yếu tố sau:
Chuẩn bị các dụng cụ trồng sả cần thiết
Bạn có thể chuẩn bị sẵn các thùng xốp, chậu có kích thước từ 35-40cm để rễ sả có không gian phát triển và đẻ nhiều nhánh. Thùng chậu nên đục sẵn các lỗ nhỏ để thoát nước và tránh úng rễ.
Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị thêm các dụng cụ như: bao tay và các dụng cụ làm vườn,…
Chọn đất trồng phù hợp
Sả thích nghi tốt nên có thể sinh sống và phát triển trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên chọn các loại đất tơi xốp, nhiều mùn và có độ pH từ 6-7 để cây con có thể sinh trưởng trong điều kiện tốt nhất.
Bạn có thể trộn đất theo công thức 5 phần đất, 2 phần các nguyên liệu tơi xốp như mụn xơ dừa, 3 phần phân hữu cơ để tăng dinh dưỡng cho đất.
Chuẩn bị giống cây sả khoẻ mạnh
Trong trường hợp có sẵn bụi sả, bạn sẽ nhân giống sả bằng cách chiết lấy nhánh sả trong bụi. Khi tách, bạn cần khéo léo để giữ lại phần rễ. Cách trồng sả theo phương pháp nhân giống có tỷ lệ sống cao hơn các phương pháp thông thường.
Trong trường hợp nhà chưa trồng sả, bạn có thể mua những nhánh cây sả giống ở chợ để làm cây giống. Bạn nên chọn những nhánh sả khỏe mạnh, mập mạp và có độ dài từ 15 đến 20cm. Tiếp theo đó là bắt tay vào việc tạo rễ cho các nhánh này.
Hướng dẫn cách trồng sả đơn giản
Sau đây, Shopee Blog sẽ hướng dẫn bạn cách trồng cây sả đối với trường hợp các nhánh sả mua ngoài chợ về và chưa có rễ.
- Bước 1: Sau khi mua sả từ chợ về, bạn cắt phần gốc sả khoảng 2mm để tạo bề mặt tiếp xúc mới cho cây. Việc này sẽ giúp nhánh tăng khả năng hút và hấp thụ nước.
- Bước 2: Bóc bỏ bớt khoảng 2-3 lớp vỏ của nhánh sả để giúp rễ mọc nhanh hơn.
- Bước 3: Cắt bỏ phần thân trên, chỉ cần giữ lại phần gốc sả khoảng 10cm.
- Bước 4: Cho tất cả các gốc sả bạn đã chuẩn bị trên vào các hũ có nước để ngâm các gốc này trong 7 ngày. Chú ý, bạn chỉ để mực nước trong lọ bằng ⅘ gốc sả, không nên để ngập nước. Trong thời gian này, khi thấy cạn nước thì bạn nên thêm nước vào.
- Bước 5: Khi thấy rễ đã đủ dài. Bạn sẽ lấy gốc sả ra khỏi nước và tiến hành trồng trong thùng hoặc chậu và đất đã chuẩn bị trước đó.
>> Xem thêm: Cách trồng cây hương thảo để nhà luôn thơm mát
Cách chăm sóc cây sả
Tưới nước dựa trên độ ẩm của đất
Trong mùa sinh trưởng, cung cấp nước cho cây thường xuyên là việc rất quan trọng. Mỗi loại đất sẽ có thời gian tưới nước khác nhau. Đối với các loại đất tơi xốp, bạn nên tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối. Những loại đất mùn có khả năng giữ ẩm tốt hơn thì tưới 1 lần/ngày.
Để kiểm tra độ ẩm của đất, bạn có thể dùng tay để ấn vào đất. Nếu cảm thấy đất khô, thì bạn nên bổ sung nước cho cây.
Cắt tỉa để sả đẻ nhánh mới
Trong điều kiện phát triển tốt, cây sả có thể cao từ 0.8m đến 1,5m. Để giữ cho cây có kích thước như ý, bạn có cắt tỉa thường xuyên. Việc này cũng giúp cây đẻ ra nhiều nhánh mới hơn.
Bón phân hữu cơ
Sau khoảng 3 tuần trồng sả, đây là thời điểm cây bắt đầu thích nghi và sinh trưởng tốt nhất. Để tạo điều kiện phát triển cho cây, bạn có thể bón các loại phân bón hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng và tránh trường hợp các gốc sả cạnh tranh dinh dưỡng lẫn nhau.
Chú ý ánh sáng khi mới trồng cây
Thời gian đầu, bạn nên để cây mới trồng ở những nơi có ánh sáng nắng hoặc chiều. Không nên để cây tiếp xúc với ánh nắng gắt vì sẽ dễ bị héo.
Phòng ngừa sâu bệnh
Sả thường rất ít bị bệnh, nên bạn cũng không cần phải chăm sóc quá nhiều. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ít gặp là sả bị nấm tấn công. Dấu hiệu của bệnh này là xuất hiện các đốm nâu đỏ hoặc vàng trên lá. Khi có những dấu hiệu này, bạn nên nhanh chóng cắt bỏ những lá bệnh để tránh lây lan.
Thời điểm và cách thu hoạch sả
Khi thu hoạch, bạn nên cắt các nhánh sả cách gốc khoảng 10cm để sả có thể sinh nhánh mới. Bằng cách này, quanh năm bạn đều có thể thu hoạch sả.
Nếu chỉ trồng sả để ăn thì 3-4 tháng kể từ khi trồng là bạn đã có thể thu hoạch. Đối với trường hợp trồng sả để lấy tinh dầu, bạn cần chờ từ 10-12 tháng cho sả đủ già để có nhiều tinh dầu.
Vậy là Shopee Blog vừa hướng dẫn bạn cách trồng sả và chăm sóc sả tại nhà. Chúc bạn sẽ nhanh có những bụi sả xanh tốt để thu hoạch. Theo dõi Shopee Blog để cập nhật thêm các mẹo trồng cây ngoài trời và sân vườn nhé.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách trồng dâu tây cho trái nặng trĩu