Dưa leo hay dưa chuột là loại thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Nếu bạn muốn tự tay trồng loại quả này để đảm bảo sức khỏe cho gia đình thì hãy tham khảo cách trồng dưa leo từ Shopee Blog nhé!
Công dụng của dưa leo đối với sức khỏe
Dưa leo (dưa chuột) là loại quả mọng nước với thành phần nước lên đến 95%. Đồng thời, loại quả này còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho sức khỏe. Từ đó, một số lợi ích của việc ăn dưa leo có thể kể đến như:
- Làm mát và giải độc: Lượng nước có trong dưa leo đóng vai trò như một thiết bị làm sạch, giúp loại bỏ các độc tố, chất thải đang tích tụ trong cơ thể.
- Hỗ trợ giảm cân: Vì hàm lượng calories khá thấp nên dưa leo rất thích hợp dùng cho nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt, chúng rất thích hợp cho người đang trong quá trình giảm cân.
- Giữ nước cho cơ thể: Thành phần chủ yếu của dưa leo là nước, theo sau là vitamin C, vitamin K, Magie, Kali, Mangan.. Chính vì thế, việc bổ sung loại quả này thường xuyên sẽ hỗ trợ cân bằng độ điện giải. Từ đó, giúp giảm tình trạng mệt mỏi và điều hòa thân nhiệt, đảm bảo quá trình trao đổi chất.
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Bổ sung dưa leo trong khẩu phần ăn có thể làm giảm đường huyết và ngăn ngừa một số biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Ngoài ra, trong dưa leo còn có hàm lượng cao chất chống oxy hóa có tác dụng trung hòa các gốc tự do có hại cho cơ thể.
- Bảo vệ chức năng tiêu hóa của đường ruột: Nhờ lượng nước dồi dào mà dưa leo có thể duy trì chất lỏng trong ruột giúp làm mềm chất thải và ngăn chặn tình trạng táo bón. Ngoài ra, dưa leo còn chứa rất nhiều chất xơ có tác dụng điều hòa hoạt động của hệ tiêu hóa và cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột.
- Củng cố mật độ xương khớp: Dưa leo chứa hàm lượng vitamin K dồi dào. Loại vitamin này có khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Nhờ đó, làm tăng mật độ xương và làm chậm quá trình lão hóa của xương khớp.
- Công dụng làm đẹp: Với hàm lượng nước dồi dào, dưa leo có thể làm dịu và cải thiện tình trạng viêm da. Chính vì thế, sử dụng mặt nạ dưa leo sẽ cải thiện tình trạng da khô ráp. viêm đỏ, cháy nắng và làm mờ các vết thâm sạm.
Có thể thấy, dưa leo là loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng và mang lại công dụng tuyệt vời cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lạm dụng việc ăn dưa leo vì có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như đầy hơi, tăng các triệu chứng về bệnh hô hấp và gây khó chịu cho phụ nữ mang thai.
Dưa chuột trồng tháng mấy?
Dưa leo là loại cây ưa nắng và không chịu được lạnh. Chúng sẽ phát triển tốt hơn trong điều kiện nhiệt độ từ 20-30 độ C.
Vậy dưa chuột trồng tháng mấy là tốt nhất? Đối với các tỉnh phía Nam, bạn có thể trồng dưa chuột các mùa trong năm. Tuy nhiên, thời điểm cây dưa leo có thể phát triển tốt nhất là từ tháng 11 đến tháng 2, tháng 3 năm sau. Hoặc bạn có thể trồng từ tháng 5 đến tháng 7, tháng 8.
Mặc dù dưa leo sinh trưởng và phát triển tốt trong thời tiết ấm áp. Nhưng đây chỉ đúng với giống dưa leo bản địa. Hiện nay có rất nhiều giống dưa lai, dưa leo thái có thể chịu được một số điều kiện nắng nóng hoặc lạnh giá. Song, bạn cần lưu ý lựa chọn đúng thời vụ và giống dưa leo để cây ra quả nhanh nhất.
Nếu đang ở khu vực miền Bắc thì bạn nên trồng dưa leo vào một trong ba thời điểm sau:
- Vụ Xuân – Hè: Thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch. Đây là thời điểm có thời tiết khá mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 18-20 độ C. Vì thế, bạn có thể trồng giống dưa ưa mát như dưa leo nếp hoặc giống dưa chịu nhiệt tốt.
- Vụ Thu – Đông: Từ tháng 7 đến tháng 10 dương lịch. Lúc này, nhiệt độ trung bình tăng khá cao, do đó, bạn nên chọn trồng những giống dưa leo có khả năng chịu hạn tốt.
- Vụ Đông – Xuân: Khoảng thời gian từ tháng 12 đến cuối tháng 1. Vào thời điểm này, nhiệt độ khá thấp và sương nhiều. Vì thế, bạn nên chọn các giống dưa có khả năng chịu lạnh.
Bạn không nên gieo trồng dưa leo vào khoảng tháng 5 đến tháng 7. Bởi vì thời điểm này ở các tỉnh miền Bắc sẽ xuất hiện nắng gắt và mưa nhiều nên cây dưa leo sẽ khó ra quả.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách trồng dâu tây cho trái nặng trĩu
Chuẩn bị dụng cụ trước khi trồng
Sau khi đã xác định được thời điểm và giống dưa leo nên trồng, bạn cần chuẩn bị một số đồ dùng làm vườn để trồng dưa leo đúng chuẩn. Các vật dụng bạn cần chuẩn bị là:
- Đất trồng: Bạn nên lựa chọn đất trồng và phân bón dưa leo kỹ lưỡng để cây có thể hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển. Loại đất trồng để cây dưa leo phát triển tốt nhất là đất pha cát hoặc đất được trộn với các loại phân bón hữu cơ chứa nhiều chất dinh dưỡng. Bạn có thể trộn đất thịt với hỗn hợp phân đạm, kali, lân hoặc phân chuồng để trồng dưa leo.
- Hạt giống hoặc cây con: Hiện nay, có rất nhiều hạt giống dưa leo trên thị trường. Vì thế, tùy theo mục đích và điều kiện trồng mà bạn nên lựa chọn giống dưa leo phù hợp. Bạn có thể mua hạt giống tại các cửa hàng cây cảnh uy tín. Ngoài ra, nếu bạn trồng dưa leo bằng cây con, thì nên lựa chọn cây con từ 2-3 tuần tuổi, phát triển khỏe mạnh và không bị sâu bệnh.
- Chậu cây trồng: Bộ rễ của dưa leo phát triển khá nhanh và khỏe, do đó, bạn nên chọn chậu to hoặc tham khảo cách trồng dưa leo trong thùng xốp. Sử dụng thùng xốp loại to hoặc các loại thùng, xô nhựa cỡ lớn sẽ giúp cây dưa leo phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, để tạo sự thông thoáng cho rễ cây và tránh tình trạng ngập úng, bạn nên lựa chọn chậu cây có lỗ thoát nước ở đáy. Đối với thùng xốp và các vật dụng khác, bạn nên đục nhiều lỗ dưới đáy để thoát nước tốt hơn.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, hãy cùng Shopee Blog tìm hiểu cách trồng dưa leo chi tiết qua 2 kỹ thuật trồng phổ biến sau đây nhé!
Kỹ thuật trồng dưa leo bằng hạt
Đối với cách trồng dưa leo bằng hạt, bạn nên gieo hạt vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 hoặc tháng 5 đến tháng 8 trong năm để cây phát triển nhanh và tránh bị sâu bệnh. Sau đây là các bước đơn giản để trồng dưa leo bằng hạt tại nhà!
Ủ hạt giống dưa chuột
Sau khi mua hạt giống, bạn ngâm chúng trong nước ấm với nhiệt độ khoảng 30-35 độ C từ 2-3 tiếng để kích thích hạt nảy mầm. Sau đó, bạn vớt hạt ra, rửa sơ với nước sạch và tiếp tục ủ hạt trong khăn ấm ở nhiệt độ 27-30 độ C trong vòng 3-5 ngày. Bạn phải luôn giữ độ ẩm cho khăn và kiểm tra hạt giống, nếu thấy chúng đã nứt ra và nảy mầm thì đem đi gieo trồng.
Gieo hạt giống
Ở bước gieo hạt giống, bạn có thể lựa chọn thực hiện theo 1 trong 2 cách sau:
Cách 1: Gieo hạt trực tiếp trên đất
Với cách này, bạn cần cày xới đất trồng thật tơi xốp, lên luống cao 20-30cm. Ngoài ra, trước khi gieo hạt, đất phải được chăm sóc thật kỹ bằng cách bón phân và tưới nước tạo độ ẩm. Sau đó, bạn tạo lỗ sâu khoảng 0,5cm trên đất và gieo cho đầu rễ hướng thẳng góc xuống đất, và để bầu hạt ngang bằng với mặt đất. Tiếp đến, bạn dùng phân chuồng lấp lên hạt và rải thêm Basudin để đề phòng sâu bệnh.
Khi gieo trồng, bạn có thể chuẩn bị thêm rơm rạ hoặc bạt plastic để giữ ẩm cho đất. Bạn cũng có thể phủ lớp màng bằng nilon nhưng phải chèn kỹ đất hai bên mép luống và đục lỗ trên bề mặt lớp màng.
Cách 2: Gieo hạt trong khay nhựa, thùng xốp
Đối với cách trồng dưa leo trong thùng xốp, trước tiên, bạn cần trộn 50 dm khối đất trồng và phân động vật theo tỷ lệ 7:3. Sau đó, bạn tiếp tục bổ sung thêm 20g phân lân, 20g phân NPK, 50g vôi, 20g hữu cơ vi sinh vào chậu cây.
Tiếp đến, bạn cho lượng đất đã chuẩn bị vào thùng xốp, khay nhựa, chậu nhỏ,… để gieo hạt. Bạn cần làm cho đất tơi xốp và tưới nước để đất đủ độ ẩm. Sau đó, bạn dùng tay ấn xuống đất tạo lỗ sâu 1cm và bắt đầu gieo hạt vào đất. Mỗi lỗ bạn cần gieo 1-2 hạt và phủ một lớp đất mỏng lên trên.
Sau khi gieo hạt, bạn dùng bình xịt phun sương tưới nước để tạo điều kiện cho hạt nảy mầm. Cuối cùng, bạn dùng tấm màng nilon đã đục lỗ sẵn phủ lên khay nhựa hoặc thùng xốp. Sau đó, bạn cần đặt chậu ươm ở nơi có ánh nắng ấm để thúc đẩy việc nảy mầm.
Sau khoảng 1 tuần gieo, hạt sẽ nảy mầm. Đến khi cây con cao khoảng 10-15cm, cây con cứng cáp thì bạn có thể bứng chuyển bầu ươm ra chỗ khác trồng.
Bứng cây con
Khi cây con lớn và ra khoảng 3-4 lá. thân cây mập và cứng cáp thì bạn bứng từng bầu cây ra trồng riêng trong chậu, hoặc thùng xốp, xô nhựa cỡ lớn. Bởi vì đây là loại cây leo, có đặc tính vươn cành và lan ra ngoài nên dưa leo rất cần diện tích lớn để phát triển và sai quả. Chính vì thế, khi cây con đủ lớn, bạn nên trồng riêng mỗi cây vào một chậu hoặc lắp đặt hệ thống giàn leo.
Thiết kế giàn leo để trồng dưa chuột
Bạn có thể lắp đặt giàn leo để tiết kiệm diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng quả. Với cách làm này, bạn sẽ giảm thiểu được tình trạng sâu bệnh, dưa leo thẳng hơn và có màu sắc đồng đều. Tuy nhiên, bạn sẽ phải tốn thời gian và chi phí khi lắp đặt giàn leo cho cây.
Để tiết kiệm chi phí, bạn nên dùng cọc tre, gỗ, hoặc thanh sắt để làm giàn leo. Mỗi cọc có đường kính ít nhất từ 3-5cm, cao khoảng 2-3m tùy vào vị trí và diện tích không gian trồng của bạn.
Sau đó, bạn cắm cọc theo hình chữ A, dùng dây cố định lại. Bạn nên làm cọc thật chắc chắn để cây có thể leo bám được mà không bị đổ. Giàn leo càng vững chắc thì gốc cây càng được cố định, tạo điều kiện cho cây dưa leo phát triển tốt. Nếu bạn trồng dưa leo trong chậu, thùng xốp tại nhà thì bạn có thể làm giàn nghiêng tựa vào vách tường, lan can gần đó.
Kỹ thuật trồng dưa leo từ cây con
Cách trồng dưa leo từ cây con sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian ủ hạt và gieo trồng. Để thực hiện phương pháp này, bạn cần chọn mua cây con khỏe mạnh từ các nông trại dưa leo hoặc các cửa hàng cây giống uy tín. Sau đó, bạn chuẩn bị đất trồng đầy đủ dinh dưỡng và thật tơi xốp để bắt đầu trồng cây.
Bạn tạo một hố đất sâu và nhẹ nhàng lấy bầu cây ra khỏi khay và đặt vào hố. Sau đó, bạn vùi kín bầu cây dưới đất và phủ chặt đất xung quanh. Để cây có đủ độ ẩm để sinh trưởng, bạn cần giữ cho đất luôn ẩm và tưới nước thường xuyên vào khoảng thời gian này.
Bạn nên trồng cây dưa leo con vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều. Đây là thời điểm trời dịu mát để cây phát triển. Sau khi trồng cây con, bạn nên che chắn cẩn thận để chúng được râm mát. Hoặc mang cây vào nơi không có ánh nắng mặt trời quá gắt. Sau khoảng 1-2 ngày cây con sẽ hồi phục và bắt đầu phát triển.
>> Xem thêm: Cách trồng cây hương thảo để nhà luôn thơm ngát
Cách chăm sóc và thu hoạch dưa leo sau khi trồng
Dưa leo là loài cây bán nhiệt đới. Chính vì thế, cây sẽ phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và cường độ ánh sáng cao cùng nguồn cung cấp nước và chất dinh dưỡng liên tục. Cụ thể là:
- Trong hai tuần đầu tiên sau khi trồng: Bạn nên thường xuyên tưới nước cho cây vào mỗi sáng sớm và chiều để kích thích hạt nảy mầm. Sau đó, bạn nên phủ thêm phân chuồng, phân gà, rơm rạ hoặc cỏ khô ở xung quanh để giữ ẩm cho đất.
- Sau khi trồng 2-3 tuần: Cây bắt đầu phát triển thân lá và các tua cuốn. Lúc này, bạn nên tỉa các nhánh cây để cho dưa leo nhanh ra quả. Vì quả sẽ mọc ra từ nách lá mới nên bạn cần cắt tỉa thường xuyên và loại bỏ các lá bị héo để không ảnh hưởng đến chất lượng của trái. Đồng thời, bạn nên cho cây tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời để quang hợp và giúp cây cho trái to và đều màu.
- 1 tháng sau khi trồng: Cây cần được chăm sóc kỹ nhất để đảm bảo sự tăng trưởng của cây. Bạn cần tưới nhiều nước và bón thêm phân lân, phân đạm, kali, ure dưới dạng nước tưới để tăng dinh dưỡng cho cây phát triển và ra hoa.
- Khoảng 30-50 ngày sau khi trồng: Cây dưa leo bắt đầu đơm hoa kết trái. Các nách lá sẽ bắt đầu đâm hoa đực, hoa cái và các nhánh lá mới. Thời điểm này được xem là giai đoạn nhạy cảm nhất quyết định năng suất của cây. Lúc này, bạn cần tưới nước cho cây đầy đủ 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và chiều tối.
Tùy theo giống cây dưa leo và điều kiện chăm sóc mà cây dưa leo sẽ cho trái sau 60-80 ngày tròng. Bạn nên thu hoạch dưa leo vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ vẫn còn mát mẻ.
Tổng kết
Nhìn chung, cách trồng dưa leo thật đơn giản và bạn có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên, để cây phát triển tốt và cho quả nhiều, bạn nên chăm sóc cẩn thận và tưới nước đều đặn. Bạn cũng nên bắt dây leo lên giàn tránh tình trạng dây mọc lộn xộn khiến cây không hấp thụ đủ ánh nắng mặt trời. Chúc bạn thành công và có được giàn dưa leo trĩu quả!
Để tham khảo thêm nhiều loại cây cảnh và hạt giống cũng như cách trồng cây, hãy tiếp tục theo dõi Shopee Blog nhé.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách chăm sóc cây Kim ngân trong nhà