Ngoài bánh chưng, dưa món hay cà pháo thì người dân miền Trung có một món bánh nghe khá lạ tai nhưng hương vị không kém phần đặc sắc, đó là bánh thuẫn. Chiếc bánh vàng ươm hình bông hoa nở bung đẹp mắt mang đầy hương vị ngày Tết. Nếu bạn đang tìm kiếm cách làm bánh thuẫn, hãy cùng Shopee Blog đọc bài viết dưới đây nhé!
Bánh thuẫn là gì?
Bánh thuẫn (hay còn gọi là bánh thững) là một loại bánh truyền thống có nguồn gốc từ Quảng Nam với tạo hình giống như một hoa mai. Theo người xưa, sở dĩ bánh có tên như vậy là do người thợ đúc khuôn theo hình bầu dục nhưng khi chín bánh lại nở bung năm cánh đẹp mắt. Chính vì vậy, loại bánh này cũng được xem như biểu tượng của sự sung túc, an lành của một năm mới.
Bánh thuẫn không cần công thức chế biến phức tạp hay nguyên liệu đắt tiền, chỉ với bột bình tinh, bột năng và trứng kết hợp với nhau, được đúc trong khuôn bằng gang hoặc đồng. Bánh có màu vàng, năm cánh nở bung đều như hoa mai cùng với hương thơm nức mũi, vị ngọt nhè nhẹ xen lẫn béo thơm của trứng.
Ngày nay, bánh thuẫn không chỉ phổ biến ở miền Trung mà đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước và được xem là món ăn vặt dân dã, dễ làm và dễ ăn.
Hướng dẫn cách làm bánh thuẫn thơm ngon và chuẩn vị
Hiện nay bên cạnh cách làm bánh truyền thống thì bánh thuẫn cũng được biến tấu theo nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với khẩu vị và tiết kiệm thời gian nhiều hơn. Shopee Blog sẽ hướng dẫn bạn các cách làm bánh thuẫn đơn giản tại nhà thơm ngon và chuẩn vị miền Trung ngay sau đây nhé!
Công thức làm bánh thuẫn truyền thống
Cách làm bánh thuẫn truyền thống với nguyên liệu chính là bột bình tinh và không dùng bột nở, bánh chín nhờ vào đánh trứng bông và nhiệt có màu vàng đậm, nở xốp, không bị ngọt gắt và thơm mùi trứng.
Với bánh thuẫn truyền thống, bạn nên sử dụng bếp củi nướng bánh để bánh được nở bung đúng chuẩn và mang hương vị đặc trưng của ngày Tết nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu
Bước đầu tiên để có được những chiếc bánh thuẫn thơm ngon và chuẩn vị chính là sự chỉn chu về số lượng nguyên liệu làm bánh Một số nguyên liệu chính để làm bánh thuẫn bạn có thể chuẩn bị như sau:
- 600g bột bình tinh mịn, hay còn gọi là bột huỳnh tinh, bột củ dong.
- 40g nước cốt gừng.
- 50ml nước ép thơm.
- 5 quả trứng vịt.
- 2 quả trứng gà.
- 450g đường.
- 40ml nước cốt chanh.
- Khuôn nướng bánh.
- Muối, dầu ăn.
Chuẩn bị bột làm bánh thuẫn
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, bước tiếp theo bạn tiến hành chuẩn bị bột làm bánh thuẫn như sau:
- Đầu tiên, bạn tách trứng gà, trứng vịt cho vào một âu lớn, thêm ½ thìa cà phê muối, dùng máy đánh trứng đánh ở tốc độ nhỏ trong hai phút.
- Tiếp theo, cho nước cốt chanh vào hỗn hợp trứng, đánh tiếp trong ba phút rồi cho từ từ đường vào âu hỗn hợp, đánh tiếp tục trong 10 phút nữa.
- Sau khi đường tan hết, bạn lần lượt cho thêm nước cốt gừng, nước ép thơm vào hỗn hợp trứng và đánh tiếp trong 10 phút nữa.
- Kế đó, bạn chia bột bình tinh thành từng phần, lần lượt thêm vào âu bột và đánh hỗn hợp trong vòng ba phút ở mức lớn. Đến khi hỗn hợp hòa hợp vào nhau là hoàn thành và chuyển sang giai đoạn nướng bánh.
Công đoạn nướng bánh
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, bước tiếp theo bạn tiến hành chuẩn bị bột bánh như sau:
- Khi lò than đỏ lửa, đặt khuôn lên và thoa một lớp dầu mỏng, dầu nóng thì bạn dùng muôi múc bột cho vào khuôn hoặc đổ trực tiếp bột vào ½ khuôn bánh cho đều khắp khuôn và đậy nắp lại.
- Trên nắp bỏ thêm than lửa, chờ 3-4 phút thì mở nắp ra, nếu thấy bánh nở cao gấp đôi khuôn và ngả vàng thì bánh đã chín.
Lưu ý khi đổ bánh thuẫn cần hai dòng lửa là lửa dưới lò và lửa trên nắp, lửa ở nắp phải đạt nhiệt độ nhất định, nếu nóng quá thì bánh sẽ bị cháy hoặc quá cao thì không chín.
Thành quả thu được sẽ là những chiếc bánh thuẫn thơm ngon mùi trứng, béo ngậy và không bị ngọt gắt. Khi bánh nguội, bạn có thể bảo quản bánh bằng cách xếp vào hũ thủy tinh hoặc túi kín.
Công thức làm bánh thuẫn bằng bột mì
Tương tự với bánh thuẫn truyền thống, bánh thuẫn bột mì cũng được làm từ những nguyên liệu khá đơn giản như bột mì, trứng, sữa,… cho mùi hương thơm béo chuẩn hương vị ngày Tết.
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu cho bánh thuẫn bột mì với khẩu phần 8 bánh và tổng thời gian chế biến là 40 phút. Nguyên liệu cụ thể như sau:
- 150g bột mì số 8.
- 150g bột bình tinh.
- 4 quả trứng gà.
- 1 ống vani dạng bột (hoặc 2ml vani dạng lỏng).
- 50g đường trắng.
- Bột nở.
- 1 củ gừng.
Nếu không có sẵn bột mì số 8, bạn có thể thay thế bằng bột năng, đồng thời ống vani trong công thức sẽ có công dụng làm giảm mùi tanh của trứng hiệu quả. Dùng vani dạng lỏng sẽ đỡ đắng hơn vani dạng bột bạn nhé!
Chuẩn bị bột bánh
- Bước 1: Lấy bột mì và bột bình tinh lọc qua rây để bột được mịn hơn. Tiếp đó cho bột nở và nước lọc vào âu khuấy đều để tạo thành hỗn hợp bột lỏng, hơi sệt.
- Bước 2: Tách trứng vào một âu khác, dùng máy đánh trứng ở tốc độ vừa. Khi thấy trứng bông thì cho đường vào đánh tiếp một lúc để đường tan và hòa đều với trứng.
- Bước 3: Cho phần bột dạng sệt vào âu trứng, khuấy đều một lúc để hai hỗn hợp hòa quyện với nhau. Thêm ống vani, nước cốt gừng và trộn đều lần nữa để tạo thành khối bột đặc, không bị lợn cợn.
Nướng bánh
- Nhóm lửa bếp củi, khi thấy than hồng thì quét một lớp dầu ăn mỏng vào khuôn bánh và đặt lên bếp.
- Múc một muôi bột vừa đủ cho vào khuôn, rạch một đường chữ thập trên mặt bánh để bánh nở thành hình bông hoa đẹp mắt.
- Quạt lửa đều tay cho bánh chín vàng và nở bung.
- Lấy bánh ra khỏi khuôn, để nguội và thưởng thức.
Một tips để bạn kiểm tra được bánh đã chín hay chưa bằng cách dùng một que tăm gỗ xiên vào bánh. Nếu tăm ướt thì bánh chưa chín và tăm khô là bánh đã chín.
Bạn có thể nướng bánh thuẫn bột mì bằng bếp củi truyền thống hoặc các thiết bị công nghệ hiện đại như lò nướng hoặc là nồi chiên không dầu. Tuy nhiên dùng bếp củi sẽ cho ra hương vị ngon và chuẩn vị hơn bạn nhé!
Sản phẩm thu được sẽ là những chiếc bánh thuẫn bột mì nở bung như những cánh hoa màu vàng đẹp mắt, bánh có độ giòn xốp và thơm nức mùi hương ngọt ngào của trứng xen lẫn vani.
Công thức bánh thuẫn hấp
Bên cạnh những chiếc bánh thuẫn nướng vàng ươm thì bánh thuẫn hấp mềm mịn và bông xốp cũng được rất nhiều người ưa chuộng. Chỉ với một vài nguyên liệu đơn giản là bạn đã có thể dễ dàng làm loại bánh mềm xốp này. Cùng Shopee Blog tìm hiểu ngay nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu
Với loại bánh thuẫn hấp, nguyên liệu chính sẽ là bột tàn mì (Wheat Starch hay được biết đến là tinh bột của bột mì) đây là nguyên liệu sẽ giúp bánh được mềm xốp và bông hơn. Nguyên liệu cụ thể như sau:
- 70g lòng trắng trứng.
- 70g bột gạo.
- 10g bột tàn mì.
- 80ml sữa tươi không đường, được đun ấm.
- 80g đường bột.
- Nước cốt chanh.
- 2 ống vani.
- Gia vị: muối.
- Một số dụng cụ làm bánh như xửng hấp, máy đánh trứng, phới trộn và âu nhỏ.
Chuẩn bị bột làm bánh thuẫn hấp
Đầu tiên, bạn tiến hành trộn đều hỗn hợp bột bao gồm bột gạo, bột tàn mì cùng với sữa ấm và 2 ống vani. Dùng phới lồng để quậy tan hỗn hợp hiệu quả hơn.
Tiếp đó, bạn cho 70g lòng trắng trứng, ¼ muỗng canh muối, 1 muỗng nước cốt chanh vào một tô sạch khác, dùng máy đánh trứng ở mức độ thấp cho đến khi trứng nổi bọt khí. Sau đó, bạn cho từ từ đường bột vào hỗn hợp và vẫn giữ ở mức độ thấp, có thể chia thành 2-3 phần nhỏ để khi đánh trứng được bông mềm tốt nhất.
Bạn đánh cho đến khi trứng tạo được chóp đứng oạt nhẹ xuống là thành công. Cuối cùng, cho từ từ phần hỗn hợp bột ban đầu vào hỗn hợp lòng trắng trứng, dùng máy đánh đều để các nguyên liệu được hòa quyện với nhau.
Giai đoạn hấp bánh
Bạn đặt một vài chén nhỏ trong xửng hấp sau đó đặt lên bếp, đến khi khuôn nóng thì bạn đổ từ từ bột vào khuôn hấp và không cần phải thoa dầu trước vào khuôn. Tiếp đó, bạn dùng dao nhúng vào nước cốt chanh và gạch hình chữ nhật trên mặt bánh. Cuối cùng, phủ khăn lên xửng hấp và đậy nắp kín khoảng 20 phút là bánh chín.
Sau khi hấp bánh bạn sẽ có được những chiếc bánh thuẫn màu trắng đẹp mắt, cùng với hương thơm ngọt ngào của trứng và sữa. Bánh thuẫn hấp sẽ có độ mềm và bông xốp nhất định, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt nhẹ và thơm ngon của bánh.
>> Xem thêm: 20+ món ăn ngày Tết đặc trưng từng vùng miền Việt Nam
Công thức làm bánh thuẫn bằng lò nướng
Bánh thuẫn truyền thống thường được nướng trên bếp than hồng và một lớp than ở phía trên giúp bánh được chín đều. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nướng bánh tiết kiệm thời gian hơn thì có thể lựa chọn làm bánh thuẫn bằng lò nướng một cách đơn giản.
Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh thuẫn
Nhìn chung, công thức làm bánh thuẫn bằng lò nướng điện không khác biệt quá nhiều so với cách làm bánh thuẫn truyền thống. Nếu không có bột bình tinh thì bạn hoàn toàn có thể thay bằng bột mì. Nếu muốn bánh có màu vàng tươi và đẹp mắt hơn thì có thể thêm một ít màu thực phẩm vào lượng bột đã hòa tan.
Chuẩn bị bột làm bánh thuẫn
Ở bước này, bạn có thể làm tương tự như cách chuẩn bị bột làm bánh thuẫn truyền thống hoặc bánh thuẫn bột mì. Lưu ý là bạn nên đánh trứng nhẹ tay hoặc là để mức độ thấp nếu dùng máy đánh trứng, bởi nếu đánh quá tay thì bột có thể bị vữa, dẫn đến bánh bị khô.
Giai đoạn nướng bánh
Trước khi đổ bột vào khuôn, bạn đặt khuôn bánh thuẫn bằng gang hoặc đồng vào lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C trong khoảng 10 phút. Khi khuôn đã nóng thì bạn quét một lớp dầu quanh khuôn để tạo một lớp chống dính.
Lấy khuôn ra khỏi lò rồi múc bột vào từng lỗ, lưu ý là chỉ nên đổ bột vừa tới mép khuôn thôi nhé. Dùng dao khía một hình chữ thập trên mặt bột để bánh khi nở sẽ đạt được độ bung tối đa.
Đặt khuôn lại vào lò nướng và nướng trong khoảng từ 5-7 phút ở nhiệt độ 180-200 độ C. Bạn có thể kiểm tra độ chín của bánh bằng một que tăm, nếu bánh chưa chín thì bạn có thể nướng thêm tầm 2-3 phút.
Công thức bánh thuẫn bằng nồi chiên không dầu
Bên cạnh công dụng giảm thiểu lượng dầu trong khẩu phần ăn hàng ngày, nồi chiên không dầu còn được dùng để chế biến các loại bánh nướng với hương vị vô cùng hấp dẫn.
Tương tự với lò nướng điện, nồi chiên không dầu cũng là một đồ gia dụng nhà bếp giúp làm bánh thuẫn thơm ngon, chuẩn vị và tiết kiệm thời gian tối ưu.
Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh thuẫn
Ở bước này, bạn có thể chuẩn bị số lượng nguyên liệu theo công thức làm bánh thuẫn bằng bột bình tinh hoặc là bột mì. Tùy theo số lượng bánh hoặc khẩu phần mong muốn mà bạn có thể gia giảm nguyên liệu cho phù hợp nhé!
Chuẩn bị bột làm bánh thuẫn
Bạn tiến hành trộn hỗn hợp bột và trứng tương tự như cách làm bánh thuẫn nướng truyền thống. Lưu ý là bạn nên trộn đều tay để hỗn hợp được hòa quyện, có độ sánh mịn và nở đẹp nhất nhé!
Giai đoạn nướng bánh
Trước khi nướng bánh, bạn làm nóng nồi chiên không dầu ở mức nhiệt độ 160 độ trong khoảng 3 phút. Sau đó, phết một lớp dầu ăn mỏng lên trên khuôn bánh, tiếp đến đổ lần lượt bột vào khuôn và dùng dao khía nhẹ hình chữ thập trên mặt bánh.
Cho khuôn bánh vào nồi chiên không dầu và tiến hành nướng bánh ở mức nhiệt độ 180-200 độ C trong vòng 5-10 phút.
Sau khi nướng bánh, bạn nên hong khô bánh trước khi bảo quản để giữ được chất lượng của bánh. Bạn đặt bánh thuẫn lên mâm cơm hoặc nong tre rồi hong khô trên một bếp lửa nhỏ.
Bằng cách này, bánh thuẫn sẽ săn lại, vỏ ngoài khô ráo và bảo quản được thời gian dài mà không lo bị ẩm mốc. Món bánh này sẽ là một món ăn ngày Tết hấp dẫn hoặc dùng để nhấm nháp với ít trà nóng sẽ rất tuyệt nữa đấy!
Công thức bánh thuẫn bằng lò vi sóng
Bên cạnh chức năng làm nóng hay rã đông thức ăn thì lò vi sóng cũng là một thiết bị điện gia dụng được dùng để nướng những chiếc bánh thuẫn với hương vị thơm ngon và màu sắc đẹp mắt. Tìm hiểu về cách nướng bánh thuẫn bằng lò vi sóng ngay sau đây nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh thuẫn
Tương tự với cách làm bánh thuẫn bằng nồi chiên không dầu, bạn có thể chuẩn bị nguyên liệu theo công thức làm bánh thuẫn bằng bột bình tinh hoặc bột mì số 8. Nếu sử dụng bột bình tinh sẽ cho ra những chiếc bánh nướng vàng ươm và hương vị thơm ngon chuẩn vị miền Trung hơn so với bột mì bạn nhé!
Chuẩn bị bột làm bánh thuẫn
Tương tự với cách làm bánh thuẫn nướng, bạn tiến hành trộn đều hỗn hợp bột và trứng lại với nhau. Cho thêm một 1-2 ống vani và bột nở để bánh có độ thơm dịu nhẹ và nở bung đúng chuẩn nhé!
Giai đoạn nướng bánh
Đối với công thức làm bánh thuẫn bằng lò vi sóng, bạn có thể sử dụng khuôn bánh thuẫn bằng gang, đồng hoặc là silicon đều được. Trước khi nướng, bạn làm nóng lò ở nhiệt độ 170 độ trong vòng 5-7 phút, tiếp đó là phết một lớp dầu mỏng lên khuôn, từ từ đổ bột vào khuôn theo tỷ lệ nhất định. Đừng quên dùng dao khía nhẹ hình chữ thập trên mặt bánh bạn nhé!
Cuối cùng, bạn cho khuôn vào lò vi sóng và nướng trong khoảng 200 độ C trong 10 phút. Sau đó bạn kiểm tra độ chín bằng tăm, nếu tăm còn ướt thì bạn có thể nướng thêm tầm 5–7 phút nữa.
Thành phẩm sẽ là những chiếc thuẫn vàng ươm và ngậy hương thơm ngọt giữa trứng với vani. Bạn nên hong khô bánh trước khi bảo quản để đảm bảo được hương vị thơm ngon cũng như không lo bánh sẽ bị ẩm mốc.
>> Xem thêm: Khám phá 15+ các loại bánh ngày Tết không thể thiếu
Những điều cần lưu ý khi làm bánh thuẫn tại nhà
Tuy công thức làm bánh thuẫn được sử dụng từ những nguyên liệu đơn giản nhưng bạn cũng cần lưu ý một số điều khi làm bánh thuẫn ngày Tết, cụ thể như:
- Bột bánh cần đánh kỹ để bánh sau khi nướng được nở bông tối đa.
- Bạn có thể thay bột năng bằng bột bình tinh hoặc bột mì số 8 đối với bánh thuẫn nướng.
- Nướng bánh bằng bếp củi, bạn cần lưu ý lượng than trên nắp khuôn phải nhiều để bánh được chín đều.
- Nếu muốn những chiếc bánh thuẫn hấp có màu sắc đẹp thì bạn có thể ép nước từ các loại trái cây tự nhiên như thanh long, dưa hấu,… hoặc là một ít màu thực phẩm.
- Cách đổ bánh thuẫn: chỉ nên đổ khoảng 80% khuôn sẽ giúp bánh nhanh chín và có được độ tạo hình đẹp mắt hơn.
>> Xem thêm: Mâm cỗ ngày Tết 3 miền Việt Nam có điểm gì khác biệt?
Cách bảo quản bánh thuẫn lâu dài và không bị mốc
Để bánh thuẫn luôn thơm ngon và sử dụng được lâu, bạn cần giữ bánh trong các xửng nhôm hoặc có nắp đậy bên trên Ngoài ra, bạn cũng có thể bảo quản bánh thuẫn bằng cách xếp vào một hũ thủy tinh hay hộp nhựa đậy kín miệng. Lưu ý là nên hong khô bánh với lửa nhỏ hoặc bếp tro nóng đến khi vỏ bánh khô giòn lại nhé! Bánh sau khi nướng không nên để quá lâu trong không khí sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng của bánh, đồng thời dễ bị nấm mốc sau một thời gian ngắn.
Đối với bánh thuẫn hấp thì bạn có thể để trong hộp thủy tinh hoặc nhựa được bọc kín và bỏ vào ngăn mát tủ lạnh. Điều chỉnh nhiệt độ ngăn mát vừa phải để bánh không bị khô và bảo quản được lâu hơn.
Nếu như khay mứt người miền Nam không thể thiếu mứt dừa thì với người miền Trung, bánh thuẫn là món ăn không thể thiếu trên khay mứt đãi khách. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ thực hiện được món bánh để chiêu đãi khách và thưởng thức cùng người thân chào đón năm mới. Sàn thương mại điện tử Shopee đang có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi siêu hấp dẫn nhân dịp sự kiện Tết 2024 sắp đến. Hãy theo dõi Shopee ngay hôm nay để được cập nhật nhanh nhất về chuyên mục món ăn ngon ngày Tết bạn nhé!
>> Xem thêm: Tết Nguyên Đán 2025 – Nguồn gốc, ý nghĩa và lịch nghỉ Tết