Nếu bánh chưng là đặc sản ngày Tết miền Bắc thì bánh tét là thứ không thể thiếu trên mâm cỗ Tết miền Nam. Tự tay chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh tét đem tặng người thân, bạn bè là việc vô cùng ý nghĩa. Nếu bạn đang không biết nên làm như thế nào thì hãy để Shopee Blog giới thiệu 5+ cách gói bánh tét dưới đây nhé!
Nguồn gốc bánh tét và ý nghĩa việc gói bánh tét ngày Tết
Nếu ở miền Bắc có bánh chưng thì trong Nam có bánh tét. Đây là một loại bánh gần giống với bánh chưng nhưng có hình trụ dài, được gói trong lá chuối hoặc lá dong với vỏ bánh được làm từ gạo nếp. Bánh có hai loại nhân mặn với thịt mỡ – đậu xanh và nhân ngọt là nhân chuối.
Theo truyền thuyết ông cha ta kể lại rằng, bánh tét là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa Việt – Chăm. Cũng có người nói rằng bánh tét là loại bánh được dâng lên cho vua Quang Trung, khi ông đang cho quân lính nghỉ ngơi trong trận chiến với quân Thanh đợt gần Tết.
Việc gói bánh tét ngày Tết vừa mang ý nghĩa to lớn trong việc gìn giữ truyền thống dân tộc, là lý do để mọi người trong gia đình thêm gắn kết, gần gũi và yêu thương nhau hơn. Ngoài ra, khi tự tay gói bánh tét, bạn sẽ thể hiện được tấm lòng chân thành, sự yêu mến của bạn đối với người nhận, giúp tăng thêm tình thân của bạn.
Hướng dẫn các cách gói bánh tét
Có phải bạn đang dự định chuẩn bị một món quà Tết ý nghĩa dành cho gia đình mình vào dịp Tết không? Hãy tham khảo ngay cách gói bánh tét nhanh nhất dưới đây để tự tay làm những chiếc bánh thật ngon và ấn tượng để dành tặng người thân nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu là bước quan trọng đầu tiên để cho ra lò một chiếc bánh ngon. Để chuẩn bị các nguyên liệu nấu ăn sạch, bạn cần chọn các đơn vị uy tín, có thương hiệu trên thị trường.
Một số nguyên liệu mà bạn cần chuẩn bị để gói bánh như sau:
- 400g gạo nếp cái hoa vàng.
- 200g đậu xanh đãi sạch vỏ.
- 1 quả dừa khô
- 100g thịt ba chỉ.
- 1 bó lạt tre.
- 1 bó lá chuối (tàu lá dài, không bị rách héo).
- Hạt nêm, đường, muối và tiêu xay.
Ngoài ra, nếu bạn muốn nấu bánh tét nếp cẩm, bánh tét chuối hay bánh tét ngũ sắc thì cần chuẩn bị thêm đậu đỏ, lá cẩm và 2 trái gấc.
Sơ chế nguyên liệu
Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng các nguyên liệu, bạn hãy bắt tay vào làm. Trước tiên là cách sơ chế nguyên liệu. Bạn có thể tham khảo các cách sơ chế sau đây.
Cách ngâm nếp gói bánh tét
Rửa sạch lá dứa, lá cẩm để tạo màu nếu bạn muốn làm bánh ngũ sắc. Sau đó, đem xay nhuyễn và lọc lấy nước cốt. Gạo nếp khi mới mua về, bạn đem rửa sạch và ngâm với nước cốt trên khoảng 1 – 2 tiếng để tạo màu cho vỏ bánh, tùy vào màu bánh mà bạn có thể thay đổi nguyên liệu để tạo màu phù hợp. Việc ngâm nước này sẽ giúp hạt gạo nở căng tròn và bóng mịn hơn. Sau khi bạn đã ngâm gạo xong, bạn vớt gạo nếp ra để ráo và chuẩn bị xào nếp.
Cách xào nếp gói bánh tét
Xào nếp là công đoạn quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành công của một chiếc bánh tét. Để có thể kiểm soát được lửa và dễ xào hơn, bạn nên chuẩn bị một chiếc chảo rộng, có vành lớn. Thêm một chút nước cốt dừa vào chảo, đun sôi và cho thêm muối để bánh thơm hơn.
Sau đó, bạn cho phần gạo nếp đã ráo vào chảo và đảo đều tay liên tục đến khi gạo nếp thấm hết nước dừa. Ở giai đoạn này, bạn nên để lửa vừa để tránh cháy nếp. Khi nếp đạt độ quyện dẻo, thơm là bạn đã thành công.
Xử lý đậu xanh
Đối với đậu xanh, bạn cần ngâm trong nước khoảng 4 tiếng để đậu nở và mềm trước rồi mới vớt ra, để ráo. Sau đó, bạn bỏ khoảng 4g muối vào và xóc đều. Nếu bạn mua loại đậu nguyên vỏ thì cần phải đãi sạch vỏ trước khi đem ngâm.
Cách xử lý lạt tre với lá gói bánh
Ngâm lạt tre trong nước khoảng 8 tiếng để lạt mềm hơn, dễ dàng khi gói. Sau đó, bạn xe lạt thành từng sợi mỏng, dài, bề ngang chỉ khoảng 0,5cm. Lá chuối được sơ chế bằng cách đem rửa sạch, tước bỏ phần sống lưng của lá, cắt thành từng miếng rộng rồi cuộn lại cho gọn. Sau đó, đem chần sơ qua nước muối sôi. Lưu ý, ở bước này, bạn nên làm nhẹ nhàng để tránh bị rách lá.
Cách ướp thịt gói bánh tét
Cách làm bánh tét nhân thịt ngon thì quan trọng nhất là bước chọn thịt heo và ướp nhân. Bạn nên chọn những miếng thịt có tỷ lệ mỡ và thịt gần bằng nhau, có phần nạc và thịt không quá chênh lệch.
Khi mua về, bạn đem thịt ba chỉ đem rửa sạch và thái thành miếng dài khoảng 10 – 12cm, chiếu ngang khoảng 2 cm. Sau đó, bạn cho thịt vào trong tô to, thêm hạt nêm, tiêu, muối đảo đều rồi ướp khoảng 30 phút để thấm gia vị.
Hướng dẫn cách gói bánh tét truyền thống bằng lá chuối
Gói lá chuối là một trong những cách gói bánh tét truyền thống của người miền Nam. Sau khi sơ chế nguyên liệu, bạn tiến hành đến bước gói sau đây:
- Bước 1: Xếp lá chuối thành 2 – 3 lớp. Cách xếp lá gói bánh tét đẹp là xếp ba là chuối xen kẽ nhau. Lưu ý là nên xếp lá to ở dưới, lá nhỏ ở trên để tránh bánh bị vỡ khi gói và luộc.
- Bước 2: Rải xen kẽ 1 lớp nếp và một lớp đậu xanh theo chiều dọc lá chuối. Sau đó, đặt miếng thịt lợn đã ướp gia vị lên và rải thêm một nửa chén nếp lên.
- Bước 3: Khéo léo nắm hết 2 mép lá chuối rồi gấp đôi lại, cuộn tròn hơi chặt tay để bánh được chắc. Cột sơ dây lạt ở phần giữa bánh để giữ cố định.
- Bước 4: Bẻ đầu lá để gập lại và dựng đòn bánh lên, dùng muỗng để nén nếp bên trong, giúp chiếc bánh thêm chắc chắn hơn.
- Bước 5: Cột theo chiều dọc và ngang của bánh tét. Đây là một trong những cách buộc bánh tét đẹp được nhiều người áp dụng, bạn có thể tham khảo nhé!
Cách gói bánh tét bằng lá dong
Mặc dù lá chuối khá phổ biến nhưng ở một số nơi, người ta vẫn dùng lá dong để gói bánh tét. Bạn nên chọn những lá còn nguyên vẹn, có màu sắc xanh đậm, phiến lá to vừa phải để có thể gói trọn được phần nhân bên trong. Đối với lá dong, cách gói cũng tương tự lá chuối. Tuy nhiên, đối với loại lá này, bạn cần phải dùng dao rọc bớt phần cuống cứng nhưng không làm tách đôi lá.
Một số cách gói bánh tét khác
Cách gói bánh tét lá cẩm
Khác với bánh tét truyền thống, bánh tét lá cẩm là loại bánh có lớp nếp ở phần vỏ mang màu tím của lá cẩm. Bạn cũng có thể kết hợp thêm một vài loại đậu cho lớp nếp thêm vị bùi và thơm. Với loại bánh này, bạn sẽ nấu sơ gạo nếp với lá cẩm trước khi gói. Sau đó, thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Trải đều nếp lên lá chuối
- Bước 2: Đặt phần nhân đậu xanh lên trên bề mặt nếp, sao cho phần nhân nằm giũa nếp và được cuộn tròn lại
- Bước 3: Sau đó, bạn tiến hành cuộn tròn lá chuối và nếp lại. Lưu ý cuộn chắc tay và đều tay để bánh tét được đẹp hơn
- Bước 4: Dùng lạt buộc bánh như đã hướng dẫn ở các loại bánh tét trên
Cách gói bánh tét chuối
Bánh tét chuối là đặc sản của miền Tây. Loại bánh này có phần vỏ bánh béo béo của nước cốt dừa, dùng cùng với một ấm trà thì tuyệt vời còn gì bằng. Ngoài phần nếp ra, bánh còn có thêm đậu đỏ hoặc đậu đen xen lẫn. Đối với lớp vỏ bánh, bạn cần cho gạo nếp và đậu vào xào trên chảo khoảng 2 phút. Sau đó, cho thêm nước cốt dừa và lá dứa để tạo vị ngọt thanh.
Khi gói bánh, bạn thực hiện hoàn toàn như các bước gói bánh tét thông thường, chỉ cần thay thịt heo bằng chuối và thực hiện thêm các bước sau trong quy trình gói bánh Tết truyền thống:
- Bước 1: Rải lớp nếp lên bề mặt lá chuối được trải sẵn
- Bước 2: Đặt phần chuối đã ướp lên lớp vỏ nếp
- Bước 3: Cuộn tròn lớp vỏ và nhân lại thành hình trụ. Lưu ý, cuộn chắc tay để bánh được đẹp hơn
- Bước 4: Dùng dây lạt để buộc quanh bánh như đã hướng dẫn
Lưu ý, hãy nhớ để phần đậu đỏ và nếp nguội khoảng 30 phút trước khi gói bánh nhé!
>> Xem thêm: Khám phá 15+ các loại bánh ngày Tết không thể thiếu
Cách gói bánh tét nước tro
Bánh tét nước tro là loại bánh có nhân ngọt, thường là đậu xanh. Với loại bánh này, bạn cần phải dùng nước tro rưới lên nếp ngâm và trong khoảng 15 – 20 phút. Vì là loại bánh nhân ngọt nên khi gói, bạn dàn đều nếp lên lá chuối, sau đó cho phần nhân đã tạo hình trụ vào gói cùng. Sau khi gói bánh xong, bạn nắn phần bánh cho thật kĩ và chắc tay để phần nhân không bị trồi ra ngoài và tiến hành gói bánh theo các bước thông thường. Khi hoàn thành bánh sẽ có màu lam nâu đặc trưng của nước tro, mùi vị đậm đà rất riêng.
Đây là loại bánh khá mới và sáng tạo, giúp bạn có thể thoát khỏi hình ảnh những chiếc bánh truyền thống ngày trước. Bạn có thể tham khảo cách làm bánh này để chuẩn bị bánh làm quà Tết trong dịp sắp tới nhé!
Cách gói bánh tét 3 màu
Bánh tét 3 màu là bánh tét gồm màu tím của lá cẩm, màu xanh đậm của lá dứa và vàng của đậu xanh. Để gói bánh được các màu như ý, bạn cần thực hiện như sau:
- Bước 1: Rửa sạch gấc, lá dứa và lá cẩm. Xay nhuyễn lá dứa và lá cẩm để lọc lấy nước cốt. Sau đó, chia nếp thành 3 phần và đi nấu với nước cốt.
- Bước 2: Rải đều nếp thành 3 phần nhỏ với 3 màu khác nhau lên lá chuối. Sau đó, đặt thịt heo và đậu xanh lên, cuộn trọn phần nhân lại.
- Bước 3: Cuộn tròn nhẹ từ từ cả nhân và lớp vỏ bánh
- Bước 4: Thực hiện buộc dây bánh như đã hướng dẫn ở trên.
Cách gói bánh tét ngũ sắc
Bánh tét ngũ sắc cũng khá tương tự với bánh tét 3 màu về cách sơ chế. Sau khi đã thực hiện tạo màu phần vỏ bánh bên ngoài như trên, bạn tiến hành gói bánh theo các bước sau:
- Bước 1: Xào nếp để gói bánh được thơm và ngon hơn
- Bước 2: Đặt các lớp nếp lên lá chuối đã được xếp sắn như hướng dẫn, sau đó bạn đặt nhân đậu xanh đã tạo hình trụ lên trên theo cùng chiều của nếp.
- Bước 3: Cuộn chắc thay phần vỏ bánh và nhân bánh lại với nau
- Bước 4: Dùng dây lạt để buộc quanh bánh
Ngoài những màu trên, bạn có thể sáng tạo thêm các màu khác cho bánh như màu xanh của hoa đậu biếc, màu đỏ của thanh long,…
Cách luộc bánh Tét
Sau khi đã hoàn thành công đoạn trên, bước cuối cùng là luộc bánh. Khi luộc, bạn cần phải đổ nước ngập bánh, đun liên tục trong khoảng từ 6 – 7 tiếng để bánh được chín đều và dẻo hơn. Hãy chú ý châm thêm nước nóng nếu nồi cạn nước, đảm bảo nước luôn ngập bánh.
Khi vớt bánh, đừng quên nhấn bánh qua nồi nước lạnh để giữ màu bánh cũng như giúp loại bỏ các vi sinh vật có hại trên vỏ bánh, bảo quản bánh lâu hơn. Sau đó, dựng đứng bánh để ráo nước và để qua ngày hôm sau ăn sẽ ngon hơn.
>> Xem thêm: 7+ cách gói bánh chưng vuông vức, xinh xắn
Lưu ý khi gói bánh tét
Để giữ được trọn vẹn hương vị của bánh tét trong những Tết, bạn cần lưu ý một số điểm như sau:
- Có thể luộc với nước tro tàu để vị bánh đậm hơn, có mùi thơm lâu, vỏ bánh mềm và đặc biệt lên màu đẹp hơn.
- Ngâm nếp trong nước dừa khoảng 3 tiếng để bánh chín nhanh và có màu xanh tự nhiên.
- Gói bánh vừa tay để đảm bảo chất lượng bánh được ngon nhất. Tránh gói quá lỏng vì sẽ làm bánh trở nên rời rạc và dễ bị rơi vãi ra bên ngoài khi nấu.
- Nên luộc bánh kỹ, khoảng 4 – 5 tiếng để hạt gạo nếp nở đều và giữ bánh được lâu hơn.
- Dùng nước sạch rửa lại vỏ bánh sau khi luộc chín để loại bỏ đi những nhân tố gây hại, giúp bánh được sử dụng lâu hơn.
Bảo quản bánh tét như thế nào?
Trong những ngày Tết, chắc chắn sẽ rất khó để dùng hết một đòn bánh tét trong một lúc. Dưới đây là mẹo bảo quản bánh dành cho bạn, để vừa giữ được độ ngon của bánh, vừa có thể dùng bất cứ lúc nào:
- Bảo quản bánh ở nhiệt độ phòng sử dụng trong vòng 5 ngày, trong ngăn mát tủ lạnh sử dụng trong vòng 10 ngày, ngăn đông là 1 tháng.
- Để bánh không bị nhớt khi lấy từ tủ đông ra, bạn nên để nguyên vẹn lá gói vào ngăn đá tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó. Sau khi cắt bạn dùng màng bọc thực phẩm bao kín bánh lại và đặt vào tủ.
- Dùng màng bọc thực phẩm để bảo quản bánh khỏi những bụi bẩn và không khí bên ngoài.
- Hút chân không bánh để giữ được lâu hơn.
>> Xem thêm: Mâm cỗ ngày Tết Bắc, Trung, Nam có điểm gì khác biệt? Tìm hiểu thực đơn của từng vùng miền
Bánh tét là một trong những món ăn ngon không thể thiếu trong dịp Tết. Với những gợi ý về các cách gói bánh tét đơn giản trên đây của Shopee Blog, hy vọng bạn có thể cho ra lò được những chiếc bánh thật ngon để dành tặng cho người thân của mình.
Đừng quên tại Shopee cũng đang có rất nhiều chương trình khuyến mãi để bạn mua sắm trong dịp Tết này. Mở app ngay để không bỏ lỡ các ưu đãi siêu hời nhé!
>> Xem thêm: Top 20 món ăn ngày Tết đậm đà bản sắc Việt Nam