Bạn đã bao giờ nghe đến “bánh chưng gù” chưa? Đây là đặc sản độc đáo của Hà Giang – vùng đất cao nguyên địa đầu Tổ quốc. Muốn tìm hiểu về loại bánh này và cách gói bánh chưng gù vừa ngon vừa đẹp thì hãy cùng Shopee Blog đọc bài viết dưới đây!
Bánh chưng gù là gì?
Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Bên cạnh bánh chưng vuông quen thuộc, một số vùng miền còn có loại bánh chưng tượng trưng cho bản sắc văn hóa riêng biệt của mình. Đại diện cho vùng đất Hà Giang nói chung và đồng bào Dao Đỏ nói riêng chính là bánh chưng gù.
Nguyên liệu trong công thức cách làm bánh chưng gù không có nhiều điểm khác biệt so với bánh chưng truyền thống. Trong đó, ba nguyên liệu chủ chốt vẫn là nếp, đậu xanh và thịt ba chỉ. Tuy nhiên, hình dáng và cách gói bánh chưng gù mới là điểm khác biệt làm nên tên tuổi của loại bánh này.
Hình dáng của bánh chưng gù ngắn và đầy đặn, hơi khum khum phần giữa như người phụ nữ đeo gùi trên lưng để lên nương. Người Dao Đỏ cũng đã lấy hình tượng đẹp đẽ này để đặt tên cho chiếc bánh chưng truyền thống với ý nghĩa ca ngợi sự chăm chỉ của con người nơi đây, đặc biệt là người phụ nữ. Bánh có kích thước khá nhỏ nhắn với chỉ 1 hoặc 2 lớp lá gói, vậy nên bạn có thể dễ dàng mang theo để cứu đói khi cần.
Cách gói bánh chưng gù đặc sản Hà Giang
Bánh chưng gù chắc chắn sẽ là điểm nhấn mới mẻ cho bữa tiệc ngày Tết của gia đình bạn. Hãy yên tâm vì cách gói bánh chưng gù không quá cầu kỳ hay phức tạp nên bạn có thể thử sức ngày tại nhà. Vậy cùng Shopee Blog điểm qua cách gói bánh chưng lưng gù vừa nhanh vừa đẹp lại còn thơm ngon ngay sau đây nhé!
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu trong công thức cách gói bánh chưng gù đơn giản hoàn toàn tương tự với các loại bánh chưng truyền thống. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, vì bánh chưng gù có kích thước nhỏ hơn nên lượng nguyên liệu cần cho một chiếc bánh cũng ít hơn.
Thông thường, một chiếc bánh chưng gù sẽ cần khoảng 180 – 200gr gạo nếp, 80 – 100gr đậu xanh và 100gr thịt lợn. Đây chỉ là con số ước tính trung bình, bạn hoàn toàn có thể cân đo đong đếm lại tùy theo khẩu vị và sở thích của gia đình mình nhé.
Dưới đây là lượng nguyên liệu cần chuẩn bị cho 10 chiếc bánh chưng lưng gù:
- Gạo nếp: 2 kg
- Đậu xanh: 800 – 1000g
- Thịt ba chỉ: 800g
- Lá riềng: 1 bó, dùng để nhuộm màu cho gạo nếp
- Dây lạt buộc bánh chưng
- Lá dong: 15 – 30 lá, bạn có thể chuẩn bị nhiều hơn để dự trù cho các trường hợp gói sai.
- Gia vị: Muối, tiêu, hạt nêm
Lưu ý khi chọn nếp, để có một chiếc bánh chưng mềm và dẻo, bạn nên chọn nếp nương, nếp ngỗng hoặc nếp cái hoa vàng. Nếp được chọn phải có hạt mẩy, chắc và tròn đều để khi nấu bánh không bị sượng và “lại gạo”.
Tương tự với đậu xanh, bạn cũng nên chọn những hạt đậu có kích thước đều nhau, vỏ hạt vàng tươi, sáng bóng và không bị mọt. Riêng thịt lợn thì bạn chọn loại có cả nạc cả mỡ để nhân bánh không bị khô và có sự béo ngậy đồng đều.
Bước 2: Sơ chế
Công đoạn tiếp theo trong cách gói bánh chưng lưng gù là sơ chế các loại nguyên liệu. Để có một chiếc bánh ngon, hãy cẩn thận và tỉ mỉ trong từng bước bạn nhé.
- Gạo nếp: Vo sạch nhẹ nhàng từ 2 – 3 lần, sau đó ngâm nước trong 4 – 6 tiếng trước khi gói bánh. Bạn có thể chuẩn bị từ tối hôm trước và ngâm qua đêm để tiết kiệm thời gian.
- Đậu xanh: Ngâm đậu trong nước nóng pha muối cho đến khi đậu nở và tách vỏ.
- Thịt ba chỉ: Rửa sạch và cắt thành các miếng vừa ăn. Sau đó nêm vào một ít muối, tiêu, hạt nêm và ướp trong ít nhất 30 phút.
- Lá riềng: Bạn rửa sạch và cắt nhỏ, rồi cho vào máy xay sinh tố cùng với một ít nước để xay nhuyễn. Sau đó lọc qua rây để bỏ bã và lấy nước cốt.
- Lá dong: Cắt bỏ những phần lá bị sâu mục và rửa sạch. Sau đó lau khô lá bằng khăn mềm và dùng dao rọc bớt phần sống lá
- Dây lạt: Rửa sạch, có thể ngâm trong nước ấm từ 10 – 15 phút để dây mềm dễ gói hơn.
Trong trường hợp không mua được lá dong, bạn có thể sử dụng lá chuối để thay thế. Cách gói bánh chưng gù bằng lá chuối hoàn toàn tương tự như khi gói bằng lá dong. Tuy nhiên, sau khi luộc xong, phần vỏ ngoài của bánh chưng lá chuối sẽ có màu hơi vàng nên không được đẹp như bánh chưng lá dong.
Bước 3: Trộn màu nếp và nấu nhân đậu
Đây là công đoạn không bắt buộc trong công thức cách gói bánh chưng gù. Những bước này sẽ giúp chiếc bánh của bạn có màu đẹp và thơm hơn. Phần đậu được nấu chín trước cũng sẽ hạn chế tình trạng bánh bị sượng về sau.
Đối với gạo nếp, bạn bỏ phần nước ngâm, sau đó cho nước lá riềng đã được lọc vào và trộn đều. Lưu ý trộn nhẹ tay để hạn chế tình trạng hạt gạo bị vỡ. Sau khi trộn xong, bạn để yên phần gạo nếp trong 10 – 15 phút để hạt nếp được thấm màu. Như vậy khi nấu xong chiếc bánh chưng gù của bạn sẽ có màu xanh rất đẹp mắt.
Đối với phần đậu xanh, bạn hấp phần đậu đã tách vỏ trong 10 – 15 phút. Sau khi đậu chín, bạn có thể nghiền nhuyễn hoặc giữ nguyên hạt đậu đều được. Nếu chọn nghiền nhuyễn, hãy vo hỗn hợp thành những viên tròn vừa ăn để dễ gói hơn. Đừng quên nêm một ít gia vị như hạt nêm, muốn, tiêu để phần nhân đậm đà hơn nhé.
Bước 4: Gói bánh chưng lưng gù
Trong số các loại bánh ngày Tết, bánh chưng nói chung và bánh chưng gù nói riêng chính là loại bánh khó gói nhất. Nhưng đừng lo lắng, chỉ cần làm theo cách gói bánh chưng gù sau đây thì bạn sẽ có một chiếc bánh thật xinh xắn. Cách gói bánh chưng gù bằng lá chuối cũng thực hiện tương tự. Tuy nhiên, lá chuối giòn và dễ gãy hơn nên khi gói bạn hãy thật nhẹ tay nhé.
Đầu tiên, bạn lấy 1 hoặc 2 chiếc lá dong chồng lên nhau sau đó cho lần lượt các nguyên liệu lên mặt lá. Thứ tự lần lượt là gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn rồi lại đến đậu xanh và cuối cùng là gạo nếp. Bạn canh chỉnh tỉ lệ tùy theo ý thích của gia đình.
Sau khi cho nguyên liệu vào, bạn túm chặt hai mép lá và bắt đầu tạo hình cho nút gù ở chính giữa bánh. Theo quan niệm của người Dao, nút gù càng cao, càng đẹp thì chứng tỏ gia đình này càng may mắn và hạnh phúc trong năm mới. Lưu ý là khi tạo khi nút gù bạn nên lắc bánh nhẹ nhàng để phần nếp được dàn trải đều và ôm gọn lấy nhân.
Sau khi tạo hình nút gù ưng ý, bạn gấp một bên đầu bánh lại để cố định. Rồi từ từ dựng bánh lên, vỗ nhẹ để phần nhân được nén xuống và gập nốt phần lá ở đầu còn lại xuống. Bạn tiếp tục nắn chỉnh nhẹ nhàng để có được hình dạng như ý muốn. Lưu ý hãy thao tác nhẹ nhàng để tránh bị bung nút gù nhé.
Định hình cho bánh xong thì bạn sử dụng lạt buộc để cố định bánh lại. Bạn quấn lạt 2 vòng, sau đó xoắn dây và giữ phần dây lạt thừa ra dọc theo thân bánh. Vòng lạt tiếp theo bạn hãy quấn đè lên phần dây thừa của vòng lạt thứ nhất để cố định chắc chắn hơn. Bánh chưng gù có kích thước nhỏ nên bạn chỉ cần buộc 3 – 4 vòng lạt là đủ cố định bánh.
Cuối cùng, bạn chỉ cần nắn chỉnh lại hình dáng cho vừa mắt là đã hoàn thành một chiếc bánh lưng gù xinh xắn. Trong công thức cách làm bánh chưng gù, bạn không thể sử dụng khuôn gói bánh chưng vì hình dáng bánh nên sẽ hơi khó khăn trong những lần gói đầu tiên. Tuy nhiên, hãy yên tâm là chỉ sau vài lần, bạn sẽ nhanh chóng quen tay và làm được những chiếc bánh bắt mắt.
Bước 5: Luộc bánh
Công đoạn cuối cùng trong cách gói bánh chưng gù chính là luộc bánh. Tuy nhiên, để bánh cho ngon, luộc bánh cũng phải có những kỹ thuật đặc biệt. Người đồng bào Dao luộc bánh bằng bếp củi chứ không dùng bếp điện, mục đích để bánh thơm và mềm hơn.
>> Xem thêm: Hướng dẫn 11+ cách luộc bánh chưng thơm ngon ngày Tết
Bánh cần được luộc trong 8 – 10 tiếng để có thể chín đều, mềm dẻo và không bị sượng. Nồi bánh luôn phải để lửa lớn, người canh cứ hễ nước cạn thì phải châm thêm ngay. Sau khi đủ thời gian mới được vớt bánh ra, rồi mới rửa qua nước từ 1 – 2 lần và đem phơi cho ráo.
Cách thưởng thức bánh chưng lưng gù
Cách thưởng thức cũng quan trọng không kém cách gói bánh chưng gù. Vậy phải ăn như thế nào để cảm nhận được hết cái vị dẻo bùi của gạo nếp, hòa cùng hương vị ngọt ngào của đậu xanh nấu nhừ và đậm đà của thịt lợn ướp thơm?
Thật ra, không có gì quá phức tạp, bạn ăn bánh chưng truyền thống như thế nào thì ăn bánh chưng gù như thế đấy. Vì bánh chưng gù vốn là loại bánh chỉ cần bóc vỏ và ăn không thôi cũng đã đủ ngon và đậm vị rồi. Nhưng để tăng thêm sự đậm đà cho vị giác, bạn có thể thử những cách sau đây:
- Ăn kèm tương ớt, dưa hành, dưa món hay kim chi để kích thích vị giác và giải ngấy.
- Tăng thêm hương vị bằng cách ăn cùng xúc xích, chả giò hoặc các loại chả ngày Tết như chả lụa, chả bì ớt xiêm xanh, chả giò bò,…
- Uống kèm các thức uống có khả năng giảm hấp thu chất béo như trà lên men Star Kombucha, trà Ô Long Tea Plus,… để kích thích tiêu hóa, hạn chế đầy bụng sau khi ăn.
>> Xem thêm: 15+ các loại chả Tết không thể thiếu trong mâm cỗ người Việt
Mẹo bảo quản bánh chưng gù
Bên cạnh cách gói bánh chưng gù và cách thưởng thức bánh thì mẹo bảo quản cũng là vấn đề bạn cần chú ý khi làm loại bánh này. Vì hình dáng “lưng gù” đặc trưng, bánh chưng gù sẽ được nén lỏng hơn các loại bánh chưng truyền thống để không làm mất tạo hình nút gù. Chính việc này có thể khiến bánh dễ bị hư và khó bảo quản hơn.
Để bảo quản bánh tốt, bạn hãy nhanh chóng ghi lại những mẹo sau:
- Sau khi luộc bánh, bạn cần phơi bánh chưng cho thật ráo nước hoặc dùng khăn lau khô phần nước thừa trên bánh.
- Khi chưa ăn, bạn hãy để bánh ở nơi khô ráo và thoáng khí, tránh để ở gầm tủ hay gầm bàn vì dễ khiến bánh bị chua, nấm mốc.
- Bánh cắt ra không ăn hết cần được bọc màng thực phẩm và bảo quản trong tủ lạnh. Sau đó bạn có thể hấp lại hoặc đem chiên giòn ăn cũng rất ngon.
>> Xem thêm: Top 10+ cách bảo quản bánh chưng ngày Tết được lâu mà vẫn thơm ngon
Trên đây là cách gói bánh chưng gù vừa nhanh vừa đẹp lại vô cùng ngon miệng mà Shopee Blog muốn giới thiệu đến bên. Nếu cần mua sắm các loại nguyên liệu nấu ăn cho bữa tiệc ngày Tết, bạn hãy ghé quầy Bách Hóa Online của Shopee và tận hưởng các chương trình khuyến mãi cùng những ưu đãi Tết lớn nhất trong năm. Không chỉ vậy, Shopee còn giao hàng 24/7, phục vụ xuyên Tết cho nhu cầu mua sắm của bạn.
Cuối cùng, đừng quên theo dõi chuyên mục ăn ngon và sự kiện của Shopee Blog để cập nhật các kiến thức hữu ích về công thức nấu ăn và mẹo vặt nhà bếp cho mùa Tết này bạn nhé. Sắp tới, Shopee Blog sẽ còn chia sẻ nhiều kiến thức hay ho hơn thế nữa.
>> Xem thêm: 7+ cách gói bánh chưng thơm ngon, đậm đà chuẩn vị Tết