Dầu nhớt được coi như là huyết mạch – thành phần không thể thiếu hỗ trợ quy trình vận hành trơn tru, an toàn, bền bỉ. Các loại dầu nhớt hiện nay rất đa dạng, về loại, thương hiệu, giá thành, chất lượng,… Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại dầu nhớt cho xe máy và các kí tự chữ, số in trên vỏ chai.
Phân loại các loại dầu nhớt cho xe máy
Trên thị trường hiện nay, các loại dầu nhớt đều có thành phần bao gồm dầu gốc (chiếm khoảng 95 – 99,9% ) và các chất phụ gia khác. Các loại dầu nhớt được phân biệt dựa trên thành phần dầu gốc và là thành phần quyết định chất lượng cũng như giá thành bạn phải bỏ ra để sở hữu nó. Dầu nhớt có 3 loại chính, đó là: Nhớt tổng hợp (Full synthetic), Nhớt bán tổng hợp (Semi-Synthetic) và Nhớt gốc khoáng (Mineral Oil) được sắp xếp theo thứ tự giảm dần về chất lượng.
Dầu nhớt tổng hợp (Full Synthetic) là loại nhớt có thành phần được tổng hợp 100% từ dầu gốc. Loại dầu này tổng hợp bằng công nghệ và được thiết kế chọn lọc nên có tính năng bôi trơn cao, chuyên biệt, thời gian sử dụng dài và ít hao hụt. Giá thành của loại nhớt này cũng cao nhất trong các loại dầu nhớt.
Tuy nhiên, nhược điểm duy nhất của nhớt tổng hợp là ít tương thích với các vật liệu làm kín (gioăng, phốt), kém bền thủy phân, ít tương thích với các loại dầu khác, do đó tùy thuộc vào những dòng nhớt tổng hợp của từng hãng lại thích hợp với một số loại xe nhất định, cũng như khuyến cáo không sử dụng cho xe đang chạy roda.
Dầu nhớt bán tổng hợp (Semi-Synthetic) là sự pha trộn giữa dầu gốc khoáng và dầu tổng hợp (thường tỉ lệ dầu tổng hợp thấp hơn dầu gốc khoáng). Dầu nhớt bán tổng hợp cung cấp hiệu suất tốt, bảo vệ và tiết kiệm nhiên liệu hơn so với dầu gốc khoáng, nhưng không tốt bằng dầu tổng hợp.
Do được pha trộn giữa 2 loại dầu, dầu bán tổng hợp có được những ưu điểm từ dầu tổng hợp (ở mức độ thấp hơn) nhưng vẫn có giá thành phù hợp với túi tiền của hầu hết người tiêu dùng. Nhờ vậy mà mà nhớt bán tổng hợp được sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường.
Dầu nhớt gốc khoáng (Mineral Oil) là dầu được chiết xuất từ dầu mỏ đã được chưng cất và xử lý lọc bỏ sáp và cặn, thường được dùng để pha chế dầu nhớt có độ nhớt cao. Đây cũng là loại có giá thành rẻ nhất trong số các loại dầu nhớt được liệt kê ở trên. Phần lớn dầu gốc khoáng được chế biến từ dầu thô – một hỗn hợp các phân tử với đặc điểm không đồng nhất nên trong những điều kiện nhiệt độ quá thấp hoặc qua cao tính năng bôi trơn không ổn định, và độ bền không cao.
Do đó, đối với những chiếc xe sử dụng nhớt gốc khoáng được khuyến cáo thay nhớt sau khoảng 1000km – 1500km sử dụng.
Các thông số cơ bản của dầu nhớt
Mỗi bình dầu nhớt thường có ghi rất nhiều thông số của loại nhớt đó để thể hiện chất lượng của nó. Để đưa ra quyết định chọn loại nhớt phù hợp với xe, chúng ta cần hiểu được các thông số này sao cho phù hợp điều kiện tài chính của mình. Những thông số quan trọng nên chú ý bao gồm: Cấp hiệu năng API, JASO, và độ nhớt SAE.
Cấp hiệu năng API
API (American Petroleum Institute) là Hiệp hội dầu khí Hoa Kỳ. Theo cấp hiệu năng API, có 2 kiểu cấp chất lượng cho dầu nhớt: cấp chất lượng cho động cơ xăng và cho động cơ diesel. Đối với động cơ xăng sẽ có ký hiệu “S” ở đầu ví dụ: SA, SB, SC,… cho đến cấp cao nhất là SN. Thường dầu nhớt dành cho xe gắn máy là SF và SG, cấp cao nhất SN mới chỉ sử dụng cho dầu nhớt ô tô.
Đối với động cơ diesel sẽ có ký hiệu “C” ở đầu. Tương tự với động cơ xăng, sẽ có các cấp nhớt cao dần từ CA, CB, CC, … Cấp nhớt càng cao (thứ tự chữ cái thứ 2 trong bảng chữ cái) càng cao thì phụ gia trong loại dầu nhớt đó càng nhiều và cao cấp, đồng nghĩa là loại nhớt có chất lượng tốt hơn. Ví dụ: Nhớt SF sẽ tốt hơn so với nhớt SA, hay đối với động cơ diesel thì nhớt CF sẽ tốt hơn nhớt CB.
Trong 1 số trường hợp đặc biệt, có 1 số loại dầu nhớt có cả 2 cấp nhớt là S và C trên bao bì sản phẩm ví dụ: API SC CF. Đây có nghĩa là loại dầu nhớt đó có thể sử dụng cho cả 2 loại động cơ xăng và diesel. Chất lượng nhớt cho từng loại động cơ cũng tương ứng với chữ cái đứng sau.
JASO
JASO (Japanese Automotive Standards Organization) là tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn ô tô Nhật Bản. Hiện nay, có rất nhiều tiêu chuẩn JASO, và tùy thuộc vào loại động cơ và loại phương tiện được đánh giá. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần biết một số tiêu chuẩn sau đối với xe gắn máy:
- Đối với cấp MA: phù hợp cho bộ ly hợp ướt (wet clutch), hay có nghĩa là phù hợp cho động cơ xe số và xe côn tay 4 thì.
- Đối với cấp MB: chỉ thích hợp duy nhất với bộ ly hợp khô (dry clutch) của khối động cơ trên xe ga và ô tô.
Độ nhớt SAE
SAE (Society of Automotive Engineers) là hiệp hội kỹ sư tự động hóa của Mỹ. Chỉ số SAE của dầu nhớt được sử dụng để phân biệt “độ nhớt” – độ đặc loãng của nhớt tại một nhiệt độ nào đó. Dựa vào tiêu chí này, người ta phân ra 2 loại độ nhớt là nhớt đơn cấp và nhớt đa cấp.
Nhớt đơn cấp
Là loại nhớt chỉ có ký hiệu SAE 30, SAE 40,… trên bao bì. Với điều kiện thời tiết tại Việt Nam thì loại nhớt này vẫn có thể sử dụng được. Nhớt đơn cấp chỉ đảm bảo khả năng bôi trơn ở nhiệt độ cao. Khi ở nhiệt độ thấp, loại nhớt này thường quá đặc cho việc bôi trơn và gây khó khăn cho việc khởi động máy móc. Thông thường, loại nhớt này được dùng cho động cơ 2 thì, máy cắt cỏ, máy công cụ, … Hoặc được dùng để pha vào các phụ gia đặc biệt.
Nhớt đa cấp
Là loại dầu nhớt có ký hiệu SAE 10W30, SAE 15W40,…trên bao bì. Nhớt đa cấp khắc phục được tình trạng thiếu ổn định của nhớt đơn cấp ở nhiệt độ thấp, tức là vẫn đạt đủ độ loãng (độ nhớt) cần thiết khi ở nhiệt độ thấp. Điều này có nghĩa là ngay cả ở nhiệt độ thấp thì nhớt đa cấp vẫn giúp cho máy móc khởi động được dễ dàng.
Phân tích chỉ số của nhớt đa cấp có 2 phần:
- Phần số đứng trước chữ ”W”
- Phần số đứng sau chữ ”W”
Chữ “W” trong thông số SAE là viết tắt của Winter, ám chỉ khoảng nhiệt độ mà loại dầu nhớt đó vẫn đáp ứng được độ nhớt khi ở nhiệt độ thấp. Để xác định nhiệt độ khởi động của loại nhớt, chỉ cần lấy số đứng trước chữ “W”. VD: Nhớt SAE 10W sẽ khởi động tốt ở nhiệt độ tối thiểu -20ºC. Con số này càng thấp thì nhiệt độ khởi động càng thấp, kéo theo giá thành càng cao do cần có những loại phụ gia đặc biệt chống đông đặc. Thực tế với điều kiện khí hậu Việt Nam thì thông số này không có nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa duy nhất ở Việt Nam là giá tiền. Tại thị trường Việt Nam, các hãng dầu nhớt thường sản xuất hoặc nhập về các loại nhớt có thông số 10W, 15W, 20W vì có giá thành trung bình, phù hợp túi tiền người tiêu dùng.
Con số đứng sau chữ “W” thường là 30, 40, 50, 60. Giống như nhớt đơn cấp, con số này thể hiện độ nhớt ở nhiệt độ cao. Con số càng lớn thì nhớt càng đặc (khả năng bôi trơn càng lớn). VD: Đối với nhớt có SAE 10W40. Tại nhiệt độ thấp sẽ có độ nhớt tương đương nhớt SAE 10 (đơn cấp). Tuy nhiên, tại nhiệt độ cao thì sẽ có độ nhớt tương đương SAE 40.
Nên chọn dầu nhớt gốc khoáng, dầu nhớt tổng hợp hay là dầu bán tổng hợp?
Giá thành của dầu nhớt tổng hợp tương đối cao, có thể lên đến gấp ba lần so với dầu gốc khoáng. Tuy nhiên, sử dụng dầu nhớt tổng hợp sẽ tố hơn nhiều so với sử dụng dầu gốc khoáng do dầu gốc tổng hợp rất tinh khiết và có cấu trúc phân tử nhớt nhỏ hơn. Do vậy, dầu tổng hợp sẽ giúp cho động cơ hoạt động tốt hơn vì có thể bôi trơn ở những chi tiết máy có khoảng hở nhỏ nhất.
Một số người có thể sẽ không muốn sử dụng dầu nhớt tổng hợp bởi giá cao. Nhưng họ không biết rằng dùng dầu nhớt tổng hợp có thể kéo dài thời gian sử dụng gấp nhiều lần so với dầu gốc khoáng. Vì vậy, bạn nên “đầu tư” hẳn loại dầu nhớt tốt nhất cho xe mình, nếu động cơ có vấn đề gì thì chi phí sửa chữa sẽ còn cao hơn rất nhiều lần.
Trên thị trường hiện nay xuất hiện thêm nhiều loại dầu nhớt hơn, vừa có giá hợp lý và vừa đảm bảo tính năng bảo vệ, chăm sóc tốt nhất cho xe máy của bạn. Đó chính là dầu nhớt bán tổng hợp của các hãng như Motul, Shell, Mobil, Castrol,…được người tiêu dùng ưa chuộng.