Trước thềm Tết Nguyên Đán, mọi người phải làm lễ cúng ông Công ông Táo về trời để bẩm báo những việc đã diễn ra trong gia đình gia chủ năm vừa rồi với Ngọc Hoàng. Như vậy lễ cúng đưa ông Táo cần chuẩn bị những gì, bài khấn và thời gian như thế nào? Cùng Shopee Blog tìm hiểu nhé!
Khi nào cúng ông Công ông Táo?
Theo truyền thống dân gian Việt Nam, ngày 23 tháng chạp hằng năm, tức vào ngày 23/12 Âm lịch sẽ là ngày đưa ông Công ông Táo về trời.
Thời gian cúng Táo Quân thường bắt đầu từ ngày 21 âm lịch và kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp. Đây là thời điểm các vị thần tập trung để chuẩn bị về Trời.
Vào năm Ất Tỵ 2025, ngày cúng ông Công ông Táo sẽ rơi vào thứ Tư, ngày 22/01/2025 (Dương lịch). Tuy nhiên, bạn không nhất thiết cứ phải cúng vào trưa 23 tháng Chạp mà bạn có thể bắt đầu từ ngày 21 và lưu ý phải kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ) nhé!
Ý nghĩa của việc cúng ông Công ông Táo?
Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời để bẩm báo những việc đã xảy ra trong gia đình sau một năm vừa qua. Vào ngày này hằng năm, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian sẽ được ghi nhận. Từ đó mà Thiên Đình sẽ đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình.
>> Xem thêm: Các ngày cúng Tết quan trọng để cầu chúc cả năm bình an
Trong quan niệm của người Việt, Táo Quân không chỉ là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ.
Vì vậy, cúng ông Táo không chỉ mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ mà còn thể hiện thành kính với “thần Bếp” chuyên cai quản việc bếp núc. Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người sum họp, quây quần bên nhau sau một năm làm ăn vất vả.
Ngoài ra, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép (khoảng 2-3 con) đựng trong chậu nước. Sau khi cúng trong, họ sẽ đem thả phóng sinh ở sông, hồ. Điều thể hiện ý nghĩa bày tỏ lòng thành kính và chuẩn bị phương tiện để ông Táo cưỡi về trời.
Bên cạnh đó, cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công với ngụ ý “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng”. Điều này cũng thể hiện ước muốn năm mới nhiều hy vọng và niềm vui, sự từ bi, an lành trong năm mới.
>> Xem thêm: Còn mấy ngày nữa đến Tết 2025? Lịch nghỉ Tết 2025 mới nhất
Đồ cúng ông Công ông Táo gồm những gì?
Vậy lễ vật cúng ông Táo truyền thống gồm có những gì? Cùng Shopee Blog liệt kê ra để chuẩn bị mâm cúng đầy đủ nhất nhé!
- Mũ ông Công ba cỗ (ba chiếc): 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn.
- Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo. Bạn có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật đều được. Ở miền Bắc thường cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước ngụ ý “cá chép hóa rồng”, còn miền Nam hay dùng cá chép giấy.
- Tiền vàng, 1 chiếc áo, 1 đôi hia bằng giấy.
Ngoài ra, khi lựa chọn màu sắc của mũ, áo và hia cúng ông Táo thì bạn cũng nên thay đổi theo từng năm và phụ thuộc vào ngũ hành như sau:
- Năm hành Kim sẽ cúng mũ, áo và hia màu vàng
- Năm hành Mộc sẽ cúng mũ, áo và hia màu trắng
- Năm hành Thủy sẽ cúng mũ, áo và hia màu xanh
- Năm hành Hỏa sẽ cúng mũ, áo và hia màu đỏ
- Năm hành Thổ sẽ cúng mũ, áo và hia màu đen
Nhiều gia đình có trẻ con, người ta cúng Táo Quân một con gà luộc. Tuy nhiên, gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn). Điều này ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ lớn lên có nhiều nghị lực, thông minh và khí chất hiên ngang như con gà cồ vậy.
Hướng dẫn nghi thức cúng ông Công ông Táo
Chọn thời gian
Cúng 23 tháng chạp vào thời gian nào? Theo chuyên gia phong thuỷ thì thời gian cúng ông Công ông Táo phải thực hiện trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Vì vậy gia chủ có thể cúng vào buổi trưa hoặc tối ngày 21-23 tháng Chạp.
Cùng Shopee Blog tham khảo các khung giờ tốt để cúng ông Công ông Táo năm 2025 sau đây:
- Ngày 21 tháng Chạp: giờ Mão (5 – 7h), giờ Ngọ (11 – 13h), giờ Thân (15h – 17h), giờ Dậu (17h – 19h). Trong đó, giờ Ngọ là giờ Tốc Hỷ hay khung giờ tốt nhất để cúng ông Công ông Táo ngày 21 tháng Chạp. Cúng vào khung giờ này gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, niềm vui, hóa giải bệnh tật và xui xẻo cho các thành viên trong gia đình.
- Ngày 23 tháng Chạp: cúng trước 12h trưa vào giờ Thìn (7 – 9h) và giờ Tỵ (9 – 11h), giờ Ngọ (11 – 13h). Trong đó, giờ Thìn chính là giờ Tốc Hỷ, thời điểm thích hợp nhất và mang lại nhiều may mắn cho gia đình. Vì đây là thời điểm mà các Thần Bếp quy tụ cùng về trời nên rất linh thiêng, thích hợp để đưa ông Táo về trời.
Chuẩn bị lễ vật, mâm cúng
Chuẩn bị lễ vật và mâm cúng ông Công ông Táo cực kỳ đơn giản và không cần phải quá phức tạp tùy theo gia cảnh. Ngoài các lễ vật chính kể trên, bạn cũng có thể lựa chọn làm lễ mặn hay lễ chay để tiễn ông Táo Quân.
Một mâm cúng tết ông Công ông Táo cơ bản không thể thiếu những món sau đây:
- Thịt heo luộc
- Gà luộc hoặc quay
- Đĩa rau xào
- Hành muối
- Xôi gấc
- Giò heo
- Canh mọc
- Cá chép nướng (ở miền Nam thường cúng cá lóc nướng)
- Trái cây tươi, trà, rượu, cau trầu,…
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối
- 1 tập giấy tiền, vàng mã
- 1 lọ hoa cúc
- 1 lọ hoa đào nhỏ
Ngày nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản khá nhiều, không bắt buộc phải đầy đủ tất cả các món như mâm cỗ truyền thống, chủ yếu phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, khẩu vị của mỗi gia đình.
Nếu gia đình nào không có điều kiện chỉ cần làm mâm cúng đơn giản 3 món là được. Đặc biệt, mâm cúng ông Táo ở ba miền đều có đặc trưng riêng. Ngoài ra, cách cúng ông Táo cũng rất quan trọng. Nơi đặt mâm cỗ cúng ông Táo cần được đặt trang trọng ở vị trí bàn thờ gia tiên hoặc bàn thờ ông Táo riêng để bày tỏ lòng thành kính.
>> Xem thêm: Cách trang trí bàn thờ ngày Tết và những điều kiêng kỵ khi lau dọn
Văn khấn
Theo sách nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Văn khấn ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam là:
“Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại: …………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!”
Ngoài bài văn khấn chuẩn theo sách, dân gia cũng có lưu truyền những bài văn khấn khác nhau tùy từng vùng miền. Các bạn có thể sử dụng bài khấn tùy vào vùng miền của mình nhé.
Những kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo
- Trước khi đọc văn khấn bạn cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc nghiêm túc, kín đáo và lịch sự, để thể hiện sự tôn kính của gia chủ đối với các quan thần.
- Đọc văn khấn phải đọc với thái độ nghiêm túc, thành tâm, đọc to, rõ ràng, rành mạch.
- Không nên cầu xin tài lộc, sung túc mà chỉ nên xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
- Không cúng sau 12 giờ ngày 23.
- Không đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp.
- Không thả cá chép từ trên cao xuống.
Ngoài ra, việc chuẩn bị mâm cơm cúng, lễ vật cúng, trái cây, rượu, trà,… cũng quan trọng không kém trong nghi thức tiễn ông Công ông Táo về trời.
Tiễn ông Táo về trời là phong tục truyền thống của người Việt vào những ngày cuối năm. Đây được xem là thời khắc quan trọng mà mọi người mong muốn ông Táo trình báo những vấn đề xảy ra trong năm qua và mong Ngọc Hoàng giúp đỡ nhân dân để một năm mới thuận lợi hơn.
>>Xem thêm: Những điều kiêng kỵ ngày Tết bạn nên biết để tránh xui rủi
Một số câu hỏi thường gặp
Có cúng rước ông Táo không? Rước ông táo ngày nào?
Theo phong tục dân gian, thì thường ngày 30 tháng Chạp, sẽ cúng rước ông Táo về nhà, những năm không có ngày 30 thì sẽ cúng vào ngày 29 tháng Chạp. Tuy nhiên, ở một số vùng miền như một vài tỉnh miền Trung lại thường làm lễ rước vào mùng 7 tháng Giêng cúng lễ tạ năm mới.
Cúng rước ông Táo được thực hiện từ 23h00 – 23h45 đêm giao thừa, lễ vật cúng rước ông Táo cũng tương tự lễ vật cúng ông Táo ngày 23.
Bài khấn cúng rước ông Táo:
“Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương
Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật
Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần
Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển: Lưu Vương Hành khiển, Ngũ
Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan.
Con kính lạy ngài đương niên Thiên quan: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn
thần.
Nay là Phút giao thừa năm .. và …, chúng con là…, sinh năm…, ngụ tại…
Phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khai thái, vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng đế giám sát vạn dân dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều để khuyết lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.
Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa vật phẩm, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án. Cúng dâng Phật Thánh dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần, Ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương, Ngài bản xứ thần linh Thổ địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài thần, các bản gia Táo quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ: Minh niên khai thái, trú dạ cát tường. Thời thời giữ được bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư Phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.”
Nam mô A di đà Phật (cúi lạy)
Nam mô A di đà Phật (cúi lạy)
Nam mô A di đà Phật (cúi lạy)”
Như vậy, Shopee Blog đã cùng bạn tìm hiểu cách cúng ông Công ông Táo. Hy vọng qua bài viết, các bạn đã có thêm kiến thức về nguồn gốc của ngày cúng ông Táo và giải đáp được câu hỏi cúng ông Táo ngày nào để chuẩn bị cho ngày lễ này thật chu đáo nhé! Cuối cùng đừng quên theo dõi Shopee Blog để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!
>> Xem thêm: Luận giải tử vi 2025 chi tiết 12 con giáp nam nữ mạng