Thảo mai là gì mà phổ biến đến mức được cân nhắc đưa vào từ điển Hoàng Phê. Đã bao giờ bạn thắc mắc từ này có nguồn gốc như thế nào? Tại sao những người giả tạo thường bị gọi là thảo mai? Hãy cùng Shopee Blog giải nghĩa thảo mai trong phần tiếp theo nhé!
Thảo mai là gì?
Thảo mai là từ được dùng phổ biến hiện nay với hàm ý chỉ người có tính cách hai mặt. Kiểu người này bề ngoài tỏ vẻ thân thiện, đáng yêu, ngọt ngào nhưng không thật lòng. Ẩn sau mỗi nụ cười và lời nói nịnh hót luôn là những suy tính và động cơ riêng. Từ “thảo mai” có thể được coi là phiên bản nhẹ nhàng, văn vẻ hơn của từ giả tạo, đểu cáng.

Nguồn gốc từ thảo mai
Theo PGSTS Phạm Văn Tình, ông cho rằng một cách lý giải tương đối thuyết phục bắt nguồn từ câu chuyện Thủy Cung Thánh Mẫu.
Chuyện kể rằng người vợ tên là Mẫu Thoải trong lúc đang khâu vá quần áo khi bị kim đâm vào tay nên lấy khăn trắng thấm máu. Người thiếp tên Thảo Mai đã nhân cơ hội vu oan cho Mẫu Thoải cắt máu ăn thề với người đàn ông khác. Người chồng Kính Xuyên nghe vậy liền đưa Mẫu Thoải lên rừng để thú ăn thịt. May thay, Mẫu Thoải đã được Liễu Nhi – một người tốt cứu sống.
Câu chuyện trên cho thấy “thảo mai” xuất xứ từ tên của một người cụ thể. Người ta định nghĩa từ thảo mai là khéo ăn nói, thường không thật lòng để làm vui lòng hoặc đánh lừa người khác. Từ này thường dùng để nói về phụ nữ.
>> Xem thêm: Manifest là gì? Khám phá ngôn ngữ thịnh hành của GenZ

Thảo mai là gì trong tiếng Anh?
Trong cuốn Vietnamese for Assholes (2019) của tác giả Barry Taybalo có nhắc đến từ thảo mai. Theo đó, thảo mai được định nghĩa là fake, untruthful. Ngoài ra, tác giả còn diễn giải thêm ví dụ để độc giả hiểu rõ hơn là: “Cách cư xử của anh ấy thảo mai lắm – His behavior is really fake”. Như vậy, từ thảo mai có thể hiểu là giả tạo, không thành thật.

Trend thảo mai nổi đình nổi đám trên mạng xã hội từ năm 2018 – 2019 cùng với nhân vật Nguyệt (Hà Hương thủ vai) trong bộ phim Phía trước là bầu trời (2001). Trong phim, “Nguyệt thảo mai” tận dụng triệt để những nói lời nhẹ nhàng, lả lơi, lươn lẹo của mình để đạt được lợi ích về tiền bạc, trong công việc cũng như tình yêu. Cuối cùng, Nguyệt mất hết tất cả vì thói sống giả tạo trong khi các bạn đồng trang lứa đều tìm thấy chân trời của riêng mình.
Những câu nói nổi tiếng thảo mai của chị Nguyệt là:
- “Em làm gì đã có người yêu, em còn đang sợ ế đây này!” – cô dùng để chèo kéo crush của bạn thân.
- “Miu ngoan nào, xuống để cho chị đặt lọ hoa nào!” – cô dùng giọng điệu âu yếm, cưng nựng để nói với em mèo nhằm che mắt mẹ bạn trai, trong khi thẳng tay hất em mèo đang nằm trên bàn xuống đất.
Sau khi từ “thảo mai” nổi lên, các bạn trẻ đã dùng từ này như một cách để trêu đùa bạn bè. Chẳng hạn khi một cô gái bình thường luôn nói chuyện lớn tiếng, dứt khoát bất ngờ ăn nói e thẹn, nhẹ nhàng trước mặt crush hoặc khi muốn bạn bè giúp đỡ, mọi người sẽ nói “sao hôm nay thảo mai vậy?”, “bớt thảo mai đi má”.
>> Xem thêm: Bạch Nguyệt Quang là gì? Khám phá ngôn ngữ Gen Z

Các dấu hiệu nhận biết người thảo mai
Thảo mai là một tính cách xấu mà bạn cần phải tỉnh táo để có thể nhận biết. Dưới đây là một số dấu hiệu nổi bật ở người thảo mai mà bạn có thể quan sát thấy:
- Lời nói và hành động bất nhất: Một người thảo mai luôn dùng giọng điệu ngọt ngào để nói chuyện nhưng thường hành xử một cách bất lịch sự, thô bạo.
- Không khen ngợi thật lòng: Người thảo mai rất thích mở lời tâng bốc người khác dù thực tế họ không cảm thấy như vậy. Họ nịnh hót với mục đích lấy lòng hoặc mưu cầu lợi ích từ đối phương.
- Thích gây sự chú ý: Người thảo mai luôn hành động một cách lố bịch để mọi người phải chú ý đến họ.
- Thay đổi thái độ nhanh chóng: Người thảo mai có tốc độ “lật mặt” nhanh hơn người ta lật bánh tráng nướng. Giây trước họ còn cười nói vui vẻ, quay lưng đi đã có thể lườm nguýt.
- Nói xấu sau lưng: Một trong các biểu hiện rõ ràng nhất của người thảo mai chính là hay nói về người khác khi không có mặt họ theo một cách tiêu cực. Mục đích nói xấu của họ không chỉ để bôi nhọ đối phương mà còn gây xung đột. Họ chính là kiểu người “đâm bị thóc, chọc bị gạo” điển hình.
- Mối quan hệ nhiều nhưng không sâu sắc: Người thảo mai thường quen biết cả thế giới nhưng không có mối quan hệ thân thiết. Họ cũng không bao giờ xuất hiện trong lúc bạn bè gặp khó khăn.
- Thích khoe khoang: Họ luôn phô trương thành tích, của cải “ảo” một cách thái quá.
- Tính cách “ba phải”: Người thảo mai luôn “gió chiều nào theo chiều ấy”, dễ dàng thay đổi quan điểm để lấy lòng tất cả mọi người.

Cách ứng phó với người thảo mai
Trong giao tiếp xã hội, bạn sẽ không ít lần gặp phải người thảo mai. Nếu người đó là đồng nghiệp, bạn chung nhóm hoặc đối tác, bạn cần phải học cách ứng phó để bảo vệ bản thân, tránh bị lợi dụng, chẳng hạn như:
- Chắt lọc mối quan hệ: Trước hết, bạn cần loại khỏi vòng bạn bè những người có tính cách thảo mai để bảo vệ giá trị của bản thân.
- Thận trọng trong giao tiếp: Đối với những người bạn không hiểu rõ, bạn chỉ nên trò chuyện ở mức xã giao và tuyệt đối không nói về người khác với họ. Những người thảo mai chắc chắn sẽ đặt điều, “thêm mắm dặm muối” khiến người khác hiểu lầm bạn.
- Đặt ra ranh giới: Không chia sẻ, tâm sự những chuyện riêng tư, cá nhân với người thảo mai. Họ có thể lợi dụng điểm yếu này của bạn để thao túng hoặc thậm chí hãm hại bạn.
- Giữ thái độ bình tĩnh: Những lời nói thảo mai bề ngoài có thể dễ nghe nhưng thật ra thường gây cảm giác khó chịu. Trước người thảo mai, tốt nhất bạn nên giữ thái độ nhẹ nhàng, bình tĩnh để tránh gây xung đột hay có những lời đáp trả rơi vào bẫy của họ.
- Tránh xa drama: Người thảo mai rất thích tạo ra thị phi nên bạn cần chủ động tránh khỏi những tình huống này. Bạn có thể lờ đi, chuyển chủ đề hoặc ngừng trò chuyện bởi bạn sẽ không biết mình bị “hắt nước bẩn” khi nào.

Shopee Blog vừa tìm cùng bạn điểm qua các định nghĩa thảo mai là gì cũng như nguồn gốc của trend thảo mai nổi đình nổi đám trong thời gian qua. Thực chất, thảo mai chỉ vui khi dừng lại ở mức trêu đùa trên mạng xã hội. Nếu gặp phải người thảo mai ở ngoài đời, tốt hơn hết là bạn nên giữ tinh thần đề phòng. Đừng quên theo dõi Shopee để cập nhật những thông tin giải trí thú vị nhất của gen Z nhé!
>> Xem thêm: Giải mã xu hướng ngôn ngữ gen Z: Từ điển tổng hợp tiếng lóng gen Z hay dùng