Vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hằng năm, chúng ta sẽ thấy người dân theo đạo Phật thường đi chùa, ăn chay, làm việc thiện,… Đây là một trong ba ngày lễ lớn của đạo Phật – lễ Phật Đản. Vậy ý nghĩa lễ Phật Đản là gì, lễ Phật Đản có nguồn gốc như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về lễ Phật Đản 2022 qua bài viết này nhé.
Lễ Phật Đản 2022 được tổ chức vào ngày nào?
Một trong ba ngày lễ lớn và quan trọng của đạo Phật gồm có: lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Thành Đạo.
Trước năm 1959, lễ Phật Đản thường được tổ chức vào ngày 8 tháng 4 âm lịch ở các nước Đông Á. Nhưng sau khi Đại hội Phật giáo Thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Colombo, Tích Lan, được tổ chức vào ngày 25 tháng 5 đến ngày 8 tháng 6 năm 1950, tất cả 26 nước thành viên đã đồng ý rằng: ngày rằm tháng Tư âm lịch hằng năm (tức ngày 15 tháng 4) sẽ là ngày tổ chức lễ Phật Đản.
Từ năm 1999, tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự, Liên Hợp Quốc đã công nhận ngày lễ Phật Đản là lễ hội văn hóa tâm linh của toàn thế giới.
Vậy lễ Phật Đản 2022 sẽ được tổ chức vào ngày rằm tháng Tư âm lịch tức là chủ nhật, ngày 15 tháng 05 năm 2022 dương lịch.
Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Phật Đản
-
Nguồn gốc lễ Phật Đản
Ngày lễ Phật Đản (hay còn gọi là đại lễ Vesak) là một ngày rất quan trọng và thiêng liêng đối với nhân dân ta nói chung cũng như những tín đồ Phật giáo nói riêng. Lễ Phật Đản được tổ chức hằng năm nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật Đản sinh ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni. Theo lý giải của phái Nam Tông, Đức Phật Đản sinh vào ngày 15 tháng 4 âm lịch năm 624 trước công nguyên, theo phái Bắc Tông là ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là một vương tử hoàng tộc Gautama (dòng họ Cồ Đàm), vương tộc Thích Ca. Ngài là một triết gia, đạo sĩ và được xem là người sáng lập nên Phật giáo. Hàng loạt những bản kinh ghi lại lời dạy của Ngài được lưu giữ và truyền đạt lại hàng trăm năm cho con cháu đời sau.
-
Ý nghĩa lễ Phật Đản
Đại lễ Vesak là ngày nghỉ lễ rất quan trọng của nhiều quốc gia Châu Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc,… trong đó có Việt Nam. Vào ngày lễ này, các Phật tử thường vinh danh Tam Bảo: là Phật, Pháp, Tăng thông qua các hình thức khác nhau như dâng cúng, tặng hoa, nghe thuyết giảng. Ý nghĩa của lễ Phật Đản không chỉ có thế, những người theo đạo Phật còn bày tỏ lòng thành kính của mình với Đức Phật bằng cách ăn chay niệm Phật, không sát sinh, làm nhiều việc thiện, bố thí, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, lau dọn và vệ sinh nhà cửa, bàn thờ thật sạch sẽ, tươm tất. Ngày lễ này còn là cơ hội để người Phật tử khẳng định giá trị của Đức Phật trong lòng mình và bày tỏ lòng thành kính, sự tôn vinh của mình đối với Người. Bên cạnh đó, ngày lễ Phật Đản còn muốn truyền tải những thông điệp đẹp đẽ đến với con người, dẹp bỏ cái xấu, cái ác, cùng nhau sống bình an, hạnh phúc.
Nghi thức thường làm trong ngày lễ Phật Đản
-
Tại Hàn Quốc
Lễ Phật Đản là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng ở Hàn Quốc. Phật giáo được đưa vào đất nước này từ năm 373, và đã tồn tại qua hàng ngàn năm. Với hơn 10 triệu Phật tử và khoảng 20 ngàn ngôi chùa được xây dựng, đạo Phật có tầm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân Đại Hàn Dân Quốc.
Vào ngày này hằng năm, lễ hội đèn lồng được tổ chức rất náo nhiệt ở đây, các chùa chiền và đường phố ở Hàn Quốc được trang trí lộng lẫy. Ngoài ra, đại lễ Vesak ở Hàn Quốc còn có một số hoạt động thú vị khác như tổ chức diễu hành, trò chơi truyền thống và các điệu nhảy mặt nạ được tổ chức bên ngoài ngôi chùa.
-
Tại Thái Lan
Tại xứ sở chùa Vàng, vào ngày lễ này, người dân theo đạo Phật thường tập trung tại các ngôi chùa để lắng nghe các nhà sư giảng đạo, sau đó mọi người cùng nhau tụng kinh, thực hiện bố thí, dâng thức ăn, hoa và nến.
-
Tại Việt Nam
Cũng giống như các quốc gia láng giềng khác, ngày lễ Phật Đản ở Việt Nam luôn được tổ chức rất trang trọng. Vào ngày này, các ngôi chùa lớn nhỏ sẽ tổ chức những buổi lễ chính thức, bên cạnh đó khắp nơi còn có các cuộc diễu hành, làm lễ, hoạt động thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp cho các Phật tử, xen kẽ đó là các buổi diễn văn nghệ,…
Bên cạnh đó, những Phật tử trong ngày này đều ăn chay niệm Phật, không được sát sinh, làm việc thiện, dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cũng như trang trí lại bàn thờ Phật cho đẹp và trang trọng nhất. Các Phật tử cũng có thể đến chùa để phụ giúp các sư thầy làm công quả, nghe các bài giảng về cuộc sống để giúp tâm hồn được thanh tịnh.
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu về lễ Phật Đản 2022 cũng như nguồn gốc và ý nghĩa lễ Phật Đản. Là một ngày lễ vô cùng quan trọng trong Phật giáo, để ngày lễ này không bị mất đi những giá trị tinh thần mà nó mang lại, hãy cùng nhau làm nhiều việc tốt, nó sẽ giúp bạn cải thiện bản thân, dần sửa đổi những thói hư tính xấu trong con người.