Lau dọn bàn thờ ngày Tết là truyền thống tốt đẹp của nhiều gia đình Việt trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây là việc làm để bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ đến tổ tiên, đồng thời thu hút tài lộc và may mắn trong năm mới. Sau đây, hãy cùng Shopee Blog tìm hiểu cách dọn bàn thờ đúng chuẩn và những kiêng kỵ cần tránh nhé!
Lau dọn bàn thờ ngày Tết khi nào? Năm 2024 ngày giờ nào lau dọn bàn thờ thì tốt
Trong văn hóa người Việt, bàn thờ và không gian thờ tự là nơi tôn kính là linh thiêng nhất trong nhà. Việc giữ cho bàn thờ luôn sạch sẽ, tươm tất là cách thể hiện lòng hiếu kính và biết ơn đối với các vị tổ tiên. Chính vì vậy, cứ vào mỗi dịp Tết đến, dọn bàn thờ cuối năm, hay còn được gọi là bao sái bàn thờ, là nghi thức truyền thống không thể thiếu.
Khi lau dọn bàn thờ ngày Tết, mọi người đều hết sức cẩn trọng để tránh phạm vào tâm linh. Không chỉ quan tâm đến các bước dọn bàn thờ đúng cách, người người nhà nhà còn tra cứu, tìm hiểu để chọn được ngày đẹp, giờ đẹp lau dọn bàn thờ. Vậy bạn nên dọn bàn thờ trước hay sau ngày 23 là tốt nhất? Câu trả lời chính là sau ngày 23 tháng Chạp, sau khi tiễn ông Công ông Táo về trời là bạn có thể dọn dẹp bàn thờ.
Sở dĩ mọi người dọn bàn thờ ngày 23 trở đi vì đây là thời điểm “thần linh đi vắng” theo quan niệm phương Đông. Vậy nên khi gia chủ tranh thủ dọn dẹp, sửa sang và bày trí nơi thờ tự để đón Tết sẽ không mạo phạm đến các vị bề trên.
Thời điểm dọn dẹp tốt nhất trong ngày là từ 6h-11:55h trưa và từ 13h-5:55h chiều. Ngoài ra, lưu ý rằng bạn cần dọn dẹp xong bàn thờ trước đêm Giao thừa.
Ngày đẹp dọn bàn thờ cho Tết Canh Thìn 2024 là những ngày sau đây:
- Ngày 24 tháng Chạp: Giờ Mão (5h – 7h), giờ Mùi (13h – 15h)
- Ngày 26 tháng Chạp: Giờ Thìn (7h – 9h), giờ Ngọ (11 – 13h), giờ Mùi (13h – 15h)
- Ngày 28 tháng Chạp: Giờ Thìn (7h – 9h), giờ Tỵ (9h – 11h), giờ Thân (15h – 17h)
Cách lau dọn bàn thờ ngày Tết đúng chuẩn, hút tài lộc
Việc lau dọn ban thờ cuối năm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phong thủy nhà ở. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng. Vì Shopee Blog sẽ hướng dẫn bạn cách bao sái bàn thờ cuối năm đúng chuẩn và thu hút tài lộc.
Ngoài ra, cách dọn bàn thờ cúng ông Công ông Táo, cách dọn bàn thờ ông địa, cách dọn bàn thờ thần tài ngày 23 hay cách lau dọn bàn thờ Phật đều có thể thực hiện hoàn toàn tương tự. Bạn có thể tham khảo cách làm này và áp dụng cho các trường hợp còn lại.
Tắm rửa sạch sẽ
Trước khi lau dọn bàn thờ ngày Tết, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ và mặc đồ chỉn chu. Bạn nên hạn chế để người luộm thuộm hay mặc những loại trang phục phản cảm, hở hang trong suốt quá trình lau dọn. Hãy chọn trang phục lịch sự nhưng thoải mái để dễ dàng thao tác, tránh làm đổ vỡ do vướng víu.
Chuẩn bị dụng cụ
Cách lau bàn thờ ngày Tết đúng cần bạn chuẩn bị đầy đủ dụng cụ trước khi bắt đầu. Công đoạn này nhằm hạn chế việc bạn làm đổ vỡ các vật phẩm thờ cúng trong khi loay hoay di chuyển để tìm dụng cụ. Hãy tham khảo danh sách dưới đây để việc dọn bàn thờ cuối năm không còn là một cuộc chiến nhé.
- Bàn: Bạn cần phủ vải đỏ hoặc giấy đỏ để đặt bài vị và đồ thờ cúng. Nếu không gian chật hẹp, bạn có thể đặt đồ thờ lên một tấm vải hoặc một chiếc mâm đồng.
- Khăn sạch: Bạn nên dùng 2 cái, một cái để lau ướt và một cái để lau khô lại và hãy dùng khăn mới.
- Chổi quét bàn thờ: Hãy ưu tiên chọn chổi dành riêng cho bàn thờ và có kích thước phù hợp. Đồng thời bạn nên hạn chế dùng chổi đã qua sử dụng hoặc dùng trong dọn dẹp hằng ngày.
- Nước bao sái: Bạn có thể pha loãng rượu trắng với nước và gừng hoặc nấu nước thơm từ các loại thảo dược như lá quế, lá bưởi,… Ngoài ra, các loại nước bao sái bán sẵn trên thị trường cũng là một lựa chọn tốt.
- Nước ấm: Vì tượng Phật và ảnh Phật chỉ nên dùng nước ấm để làm sạch, không được sử dụng rượu trắng.
- Hương và đồ thắp lễ: Bạn chuẩn bị một ít đồ thắp lễ để khấn xin phép ông bà tổ tiên trước khi dọn bàn thờ ngày 23.
Thắp nhang thông báo lau dọn
Đừng quên thắp nhang thông báo và xin phép tổ tiên trước khi bắt đầu thủ tục lau dọn bàn thờ cuối năm bạn nhé. Đã có rất nhiều người cất công chọn ngày đẹp dọn bàn thờ nhưng lại quên mất việc chuẩn bị lễ vật và thắp nhang khấn vái.
Về phần lễ vật, bạn không cần chuẩn bị mâm cỗ cầu kỳ mà chỉ cần mua bánh trái và trái cây đơn giản là được. Sau khi thắp nhang và đọc văn khấn, hãy đợi cho đến khi nhang cháy hết là bạn có thể bắt đầu lau dọn bàn thờ ngày Tết.
Các bước lau dọn bàn thờ ngày Tết
Về cơ bản, một quy trình dọn bàn thờ đúng cách bao gồm 6 bước. Tuy nhiên, tùy vào truyền thống và phong tục của mỗi gia đình mà số bước có thể nhiều hơn hoặc ít hơn.
Cách dọn bàn thờ ông địa, cách lau dọn bàn thờ Phật hay lau dọn bàn thờ thần tài cũng bao gồm các bước hoàn toàn tương tự. Bạn có thể tham khảo và áp dụng sao cho phù hợp nhé.
Bước 1: Hạ vật phẩm thờ cúng xuống
Ở bước đầu tiên trong quy trình lau dọn bàn thờ ngày Tết, bạn lần lượt hạ ảnh thờ, bài vị và các vật phẩm thờ cúng xuống nơi đã được chuẩn bị sẵn. Vì theo quan niệm phương Đông, việc lau đồ thờ ngay trên bàn thờ có thể đem đến vận rủi hoặc những tai họa khó lường. Mặt khác, việc này có thể giúp bạn lau tàn nhang và bụi bẩn trên mặt bàn thờ dễ dàng hơn.
Một điểm lưu ý quan trọng trong thủ tục lau dọn bàn thờ cuối năm là bạn tuyệt đối không được di chuyển hay hạ bát hương. Đây được xem là điều cấm kỵ trong quan niệm dân gian. Vì nếu không may bát hương bị quay ra hướng xấu, gia chủ và người thân có thể sẽ bị mất lộc và gặp xui xẻo triền miên.
Bước 2: Lau dọn đồ thờ cúng
Bạn dùng khăn sạch thấm rượu gừng hoặc các loại nước bao sái chuyên dụng cho quét dọn bàn thờ ngày Tết để lau toàn bộ đồ thờ. Sau đó dùng khăn khô lau lại lần nữa rồi xếp ngay ngắn và gọn gàng sang một bên. Như đã đề cập ở trên, bạn tuyệt đối không được lau vật dụng trực tiếp ngay trên bàn thờ.
Để đánh bóng đồ bằng đồng, bạn có thể dùng khăn sạch tẩm tro bếp, muối hạ hoặc giấm ăn chà mạnh trong vài phút. Với đồ men sứ, hãy yên tâm là nếu bạn sử dụng sản phẩm chất lượng, ví dụ như gốm sứ Minh Long, thì chỉ lần lau bằng nước là đã đủ để lớp men trở nên sáng bóng .
Bước 3: Dọn bát hương
Hãy đảm bảo là bạn đã nằm lòng cách dọn bát hương cuối năm vì đây là công đoạn cực kỳ quan trọng khi lau dọn bàn thờ ngày Tết. Lưu ý đầu tiên, bạn không được di chuyển hay hạ bát hương. Nếu không may bị xê dịch, gia chủ cần phải làm lễ và thắp hương, sau đó mới được dịch chuyển bát hương về vị trí cũ.
Hãy dùng một tay giữ bát hương, một tay dùng chổi nhỏ phủi hết toàn bộ tàn nhang và bụi trên miệng bát. Tiếp đến, thấm ướt khăn và lau xung quanh bát hương một cách nhẹ nhàng. Cuối cùng, dùng khăn khô lau lại một lần nữa để phần nước thừa không đọng lại trên miệng bát hương gây mùi khó chịu.
Bước 4: Rút tỉa chân nhang
Quan trọng không kém cách dọn bát hương cuối năm chính là cách rút tỉa chân nhang ngày 23. Hãy chuẩn bị sẵn giấy bút vì đây là phần có nhiều quy tắc cần nhớ nhất trong cách lau dọn bàn thờ ngày Tết.
- Gia chủ bắt đầu rút từng chút một cho đến khi số chân nhang còn lại là một số lẻ (thường sẽ là 3, 5, 7, 9). Khi rút tỉa chân nhang cần dùng một tay giữ chặt bát hương để tránh xê dịch.
- Thông thường, bát hương thần linh cần để lại 5 chân nhang với ý nghĩa là ngũ hành tề tụ. Các bát hương khác sẽ để lại 3 chân nhang ý nghĩa là sinh tài.
- Trong cách rút tỉa chân nhang ngày 23, chân nhang đã được rút tỉa sẽ mang đi hóa tro, sau đó vùi vào gốc cây hoặc thả xuống sông.
- Một lưu ý trong cách bao sái bàn thờ cuối năm là bạn không được bỏ chân hương hay bất kỳ đồ thờ cúng nào vào thùng rác hay nơi ô uế.
Trong cách dọn bàn thờ cúng ông Công ông Táo, cách dọn bàn thờ thần tài ngày 23 hay cách dọn bàn thờ ngày 30 Tết, bạn cũng thực hiện cách rút tỉa nhang tương tự. Bạn không nên để lại nhiều chân nhang trong bát hương vì như vậy bát hương và bàn thờ sẽ nhanh bụi bặm.
>> Xem thêm: Hướng dẫn rút chân nhang bàn thờ thần tài đúng cách
Bước 5: Lau dọn bàn thờ
Bước tiếp theo trong quy trình quét dọn bàn thờ ngày Tết là lau bàn thờ. Các việc cần làm bao gồm dùng chổi quét bụi và tàn nhang, cạy bỏ sáp nến đông cứng trên mặt bàn và lau sạch bằng rượu trắng pha gừng hoặc nước ấm. Cuối cùng, bạn dùng khăn khô lau lại một lần nữa để mặt bàn thờ không bị đọng nước gây mốc.
Bước 6: Đặt lại đồ thờ đúng vị trí
Công đoạn cuối cùng khi lau dọn bàn thờ ngày Tết chính là bài trí lại các vật phẩm thờ cúng cho đúng vị trí. Sau khi đặt lại đồ thờ cúng, bạn đừng quên thay nước và thay chum gạo muối mới. Đồng thời khấn báo với các Ngài rằng con đã hoàn thành công việc, xin thỉnh các Ngài về.
Ngoài các bước lau dọn bàn thờ, các gia đình cũng có thể mua sắm và bày biện các vật dụng trang trí để bàn thờ ngày Tết thêm phần lộng lẫy, trang nghiêm. Điển hình như bày thêm mâm ngũ quả, hộp bánh, giỏ quà Tết,… Hoặc đơn giản hơn, bạn hãy chọn những bình hoa có họa tiết đẹp, sắc sảo để trưng mai, đào hay lay-ơn nhé.
>> Xem thêm: Cách trang trí bàn thờ ngày Tết và những điều kiêng kỵ khi lau dọn
Văn khấn lau dọn bàn thờ ngày Tết
Khi lau dọn bàn thờ ngày Tết, bên cạnh việc chọn ngày đẹp dọn bàn thờ, các gia đình cần phải thắp hương và khấn vái để xin phép tổ tiên. Dưới đây là mẫu văn khấn dành cho dọn bàn thờ cuối năm:
“Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con xin tấu lạy Chín phương Trời, Mười phương chư Phật, chư Phật Mười phương
Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ con là:………………
Ngụ tại:………………….
Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ dòng họ …. tại…… (địa chỉ nhà ở, quê).
Hôm nay là ngày … tháng Chạp năm… , con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ, đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ … chấp thuận.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!”
Một số kiêng kỵ khi lau dọn bàn thờ ngày Tết
Bên cạnh các câu hỏi về thời gian dọn dẹp bàn thờ như nên dọn bàn thờ trước hay sau ngày 23 hay về cách lau dọn bàn thờ ngày Tết thì những điều cần kiêng kỵ khi lau dọn bàn thờ cũng rất được quan tâm. Sau đây là một số kiêng kỵ trong thủ tục lau dọn bàn thờ cuối năm mà bạn cần biết:
- Làm đổ vỡ vật phẩm thờ cúng: Nhiều người cho rằng, việc làm vỡ các vật phẩm thờ cúng có thể mang đến những điềm không may. Vậy nên hãy cẩn thận khi dọn bàn thờ và dọn dẹp nhà cửa đón Tết bạn nhé.
- Dùng đồ cũ, đồ không sạch sẽ để lau dọn: Bạn không nên dùng khăn, chổi hay chậu cũ để dọn dẹp bàn thờ. Dọn bàn thờ đúng cách là nên có một bộ dụng cụ chỉ dành riêng cho việc này.
- Đổ tro một lúc: Nếu cần thay tro mới cho bát hương, hãy dùng thìa để múc tro cũ ra từ từ. Vì sau đó, khi bạn đổ liền một mạch tro mới vào thì sẽ mang ý nghĩa “ra nhỏ vào lớn”, tốt cho đường tiền tài.
- Dịch chuyển bát hương: Đây là điều cấm kỵ khi lau dọn bàn thờ ngày Tết nên hãy cẩn thận tránh xê dịch bát hương khi dọn dẹp bạn nhé.
Trên đây là cách lau dọn bàn thờ ngày Tết đúng chuẩn và thu hút tài lộc mà Shopee Blog muốn gửi đến bạn. Để mua sắm các sản phẩm và dụng cụ vệ sinh, hãy nhanh chóng ghé Shopee để tận hưởng những chương trình ưu đãi cực khủng cho mùa Tết này. Ngoài ra, để cập nhật thêm nhiều tin tức thú vị, hữu ích về nhà cửa đời sống trong mùa Tết này, đừng quên theo dõi chuyên mục và sự kiện của Shopee Blog nhé!
>> Xem thêm: 10+ mẹo dọn dẹp nhà cửa đón Tết nhanh chóng mà vẫn hiệu quả