Vào những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch và tiêu hoá của chó con vẫn chưa được hoàn thiện. Chính vì thế, nếu không được cho ăn đúng cách thì nguy cơ cún cưng bị mắc bệnh là rất cao. Vậy nên cho chó con ăn gì? Hãy cùng Shopee Blog tìm hiểu cụ thể hơn nhé!
Nên cho chó con ăn gì? Cách chọn thức ăn cho chó con theo tháng tuổi
Trên thị trường hiện nay, thức ăn cho chó con khá đa dạng về thương hiệu và thành phần. Vì vậy, để tìm được loại thức ăn phù hợp thì bạn cần xem xét độ tuổi, cân nặng, giống chó, sở thích và thói quen ăn uống của cún cưng.
Các loại thức ăn cho chó con phổ biến
Sau đây Shopee Blog sẽ chia sẻ với bạn về các loại thức ăn dành cho chó con phổ biến nhất hiện nay:
- Thức ăn hạt (thức ăn khô)
- Pate cho chó
- Thức ăn bán ẩm
- Thức ăn nhà nấu
- Thức ăn thô (thức ăn sống)
Cách chọn thức ăn cho chó con theo độ tuổi
Độ tuổi chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định việc nên cho chó con ăn gì? Tùy theo từng giai đoạn mà thức ăn và chế độ ăn của cún cưng sẽ có phần thay đổi.
Chó con 1 tháng tuổi ăn gì?
Tốt nhất là bạn không nên cho chó con ăn bất kỳ thứ gì trong 1 tháng đầu sau sinh. Lúc này hệ tiêu hoá của bé còn rất yếu nên chỉ có thể hấp thụ được nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ. Nếu chó mẹ ít hoặc không có sữa, bạn có thể pha thêm sữa ngoài và bón cho chó con.
Sau 10 – 15 ngày, chó con bắt đầu mở mắt và có thể ăn được cháo loãng. Tuy nhiên nên hạn chế cho các bé ăn sớm để tránh gây hại đến hệ tiêu hoá.
Chó con 2 – 4 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, cần cho chó ăn từ 3 – 4 lần/ngày và thức ăn phải được nấu chín, mềm, ướt. Bạn có thể cho cún cưng ăn pate hoặc xay nhỏ thịt heo, bò, trứng, cà rốt, bí đỏ,… và nấu thật mềm. Bạn không nên cho chó con ăn thức ăn khô, đồ sống hay cá tanh để tránh tình trạng tiêu chảy.
Chó con 4 – 6 tháng tuổi
Ở giai đoạn 4 – 6 tháng tuổi chó con nên ăn gì và mỗi ngày ăn bao nhiêu lần? Bạn có thể giảm tần suất ăn của chó xuống còn 3 lần/ngày và bổ sung thêm đạm từ thịt càng nhiều càng tốt. Ngoài ra bạn có thể cân nhắc cho bé tập ăn một số loại xương sống để hỗ trợ quá trình mọc răng. Tuy nhiên chỉ nên cho ăn thức ăn thô vài lần trong tuần và không nên thay thế hoàn toàn chế độ ăn hiện tại.
Chó con trên 6 tháng tuổi
Các giống chó nhỏ bắt đầu trưởng thành từ mốc 6 tháng tuổi, còn các giống chó lớn là 9 tháng. Bạn có thể cho chó ăn thức ăn hạt, thức ăn thô, pate hoặc đồ ăn nhà nấu với tần suất 2 lần/ngày.
Dù là loại thức ăn nào đi chăng nữa thì bạn cũng cần xem xét kỹ về thành phần và giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Nếu bạn tự nấu thức ăn cho bé cún nhà mình thì cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng quan trọng sau:
- Đạm từ thịt heo, bò, gà, cá.
- Carbohydrate từ gạo, mì ống, khoai tây.
- Vitamin và khoáng chất từ trái cây, rau củ.
- Chất béo ở dạng dầu thực vật.
Tìm hiểu về đặc điểm của các loại thức ăn cho chó con
Sau khi đã biết được chó nhà bạn có thể ăn được những loại thực phẩm nào, hãy cùng Shopee Blog chọn thức ăn ưng ý cho cún cưng nhé!
Thức ăn hạt (thức ăn khô)
Loại thức ăn cho chó này vừa rẻ vừa tiện lợi nên được nhiều người nuôi chó lựa chọn. Khi cho cún cưng ăn thức ăn hạt, bạn nên chọn thương hiệu có tên tuổi và hãy ưu tiên các sản phẩm có thành phần chính là thực phẩm lành mạnh.
>> Xem thêm: Top 8 thức ăn khô cho chó vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng
Pate cho chó
Đa số các bạn cún đều rất thích ăn pate nhưng sản phẩm này lại có giá cao hơn các loại thức ăn khác. Do đó, người ta thường trộn pate vào thức ăn hạt để tiết kiệm chi phí.
Pate cho chó thường có khoảng 75% là nước và hàm lượng nước càng cao thì giá trị dinh dưỡng càng thấp. Vì thế nếu chỉ ăn mỗi pate thì cần phải cho chó con ăn nhiều hơn để có thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng.
Thức ăn thô (thức ăn sống)
Thức ăn thô tuy là một khái niệm còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã rất phổ biến đối với nhiều người nuôi chó trên thế giới. Loại thức ăn này bao gồm thịt sống, tốt nhất là có trộn thêm xương và nội tạng động vật.
Vì các loại vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm nấu chín sẽ bị giảm hiệu quả, nên việc cho chó ăn sống sẽ giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất hơn. Bên cạnh đó, việc ăn xương sống cũng giúp chó con phát triển răng tốt hơn. Tuy nhiên chế độ ăn sống đòi hỏi nguồn thực phẩm tươi đã qua kiểm định và chỉ thực hiện vài lần trong tuần cho chó trên 4 tháng tuổi.
Thức ăn bán ẩm
Đây là loại thức ăn thường được nhà sản xuất tạo hình sườn heo, bánh mì kẹp thịt,… Tuy nhiên loại thức ăn này ít dinh dưỡng và chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo màu nhân tạo,… nên không tốt cho chó con.
Thức ăn nhà nấu
Lợi ích của việc tự nấu thức ăn cho chó là bạn sẽ chủ động kiểm soát được các thành phần và giá trị dinh dưỡng. Không chỉ dừng lại ở việc đủ calories, đồ ăn cho chó con phải được đảm bảo cân bằng giữa đạm, xơ, chất béo, carbohydrate, khoáng chất và các loại vitamin.
Chó con ăn gì không tốt cho sức khỏe?
Không phải mọi loại thực phẩm mà con người ăn được đều an toàn cho chó. Trong ảnh dưới đây là những nguyên liệu và món ăn tuyệt đối không được cho chó ăn, đặc biệt là chó con.
Lưu ý khi cho chó con ăn
Không dừng lại ở việc cho chó ăn đủ, bạn còn cần phải cho chó ăn đúng cách. Hãy cùng Shopee Blog điểm qua một số lưu ý quan trọng để có thể chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hoá cho cún cưng tốt hơn nhé!
- Đối với chó con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày bạn cần cho bé ăn khối lượng thức ăn bằng 4 – 6% cân nặng cơ thể. Chẳng hạn như cún của bạn nặng 7kg thì cho ăn 280gr – 420gr thức ăn và chia đều ra các bữa. Còn nếu cho chó con ăn pate hoặc thức ăn hạt thì nên dựa vào lượng thức ăn được chỉ định trên bao bì.
- Khi cún cưng đã đạt đến 85% trọng lượng dự kiến khi trưởng thành, bạn nên chuyển từ đồ ăn cho chó con sang đồ ăn cho chó trưởng thành.
- Không thêm thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn, trừ khi được bác sĩ thú y hướng dẫn.
- Không được thay đổi chế độ ăn đột ngột mà phải chuyển đổi dần dần trong 1 đến vài tuần.
- Bạn cần tạo thói quen ăn đúng giờ cho chó thay vì luôn đổ đầy thức ăn vào bát và để chúng tự ăn. Điều này giúp bạn sớm phát hiện các biểu hiện như chán ăn, bỏ ăn và giúp sức khỏe đường ruột của cún ổn định hơn.
- Nếu bé cún của bạn không ăn hết thức ăn trong một lần, có thể là do bạn cho thức ăn quá nhiều.
- Không cho chó ăn trước khi đi xe hoặc một giờ trước hoặc sau khi tập thể dục.
- Không trêu chọc cún cưng khi chúng đang ăn.
- Không nên cho chó ăn trên bàn hoặc trong chén của bạn vì dễ tạo thành thói quen chảy nước dãi, sủa hoặc van xin thức ăn.
Kết luận
Vì hệ tiêu hóa của chó con còn yếu nên chế độ ăn và phương pháp cho ăn cần phải được chú trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, thức ăn cho chó con rất đa dạng về chủng loại nên bạn cần xem xét kỹ nhiều yếu tố khác nhau như thành phần, dinh dưỡng, thể trạng của chó,… để chọn loại phù hợp.
Vậy là Shopee Blog đã cùng bạn giải đáp câu hỏi chó con ăn gì, không nên ăn gì và các lưu ý khi cho ăn. Hãy tiếp tục theo dõi Shopee Blog để xem thêm nhiều bài chia sẻ hữu ích về chăm sóc thú cưng. Đón đọc mỗi ngày nhé!
>> Xem thêm: Phụ kiện nuôi chó ở chung cư cần chuẩn bị gì?