Khám thai định kỳ là việc làm giúp mẹ bầu chủ động trong việc nắm bắt các thông tin về sức khỏe, để có thể chăm sóc em bé ngay từ khi nằm trong bụng mẹ. Đồng thời, việc khám thai định kỳ cũng có thể giúp thai nhi tránh khỏi các nguy cơ mắc các bệnh về đột biến gen, giúp ngăn chặn kịp thời và bảo vệ sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, bà bầu và gia đình cần nắm rõ các mốc khám thai quan trọng để có thể xử lý kịp thời. Mẹ bầu nào đang thắc mắc về các giai đoạn khám thai định kỳ như thế nào? Thì hãy cùng Shopee tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Các mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu cần ghi nhớ
Việc khám thai định kỳ giúp các mẹ theo dõi được tình trạng sức khỏe bào thai và nhận được những lời khuyên hữu ích từ các bác sĩ chuyên khoa. Vậy thì đầu tiên, các mẹ cần lưu tâm đến các mốc khám thai định kỳ cần thiết để lên kế hoạch dưỡng thai hợp lý nhé!
1. Khám thai lần thứ nhất – Từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 8
Khi nào nên đi khám thai lần đầu? Là câu hỏi của rất nhiều chị em phụ nữ khi chuẩn bị sinh con. Sau khi người phụ nữ có dấu hiệu bị trễ kinh quá 3 tuần, đồng thời xuất hiện thêm các triệu chứng của ốm nghén như buồn nôn, nôn, nhức đầu,… và que thử thai báo cáo kết quả là 2 vạch, các mẹ cần đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra kết quả có thai là thật hay không?
Trong lần khám thai đầu tiên này, bác sĩ sẽ chỉ định bạn cần phải thực hiện các xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng sức khỏe của người mẹ, đồng thời phát hiện kịp thời các căn bệnh có thể lây nhiễm từ mẹ sang con như: Viêm gan B, HIV/AIDS, bệnh giang mai, bệnh thủy đậu,…
- Kiểm tra huyết áp của người mẹ có cao hay không để đưa ra các biện pháp phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật.
- Siêu âm thai để kiểm tra vị trí phôi thai và bào thai được bao nhiêu tuần tuổi.
Sau khi thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ tư vấn về một số vấn đề liên quan đến bào thai và tình trạng sức khỏe của người mẹ. Nếu xuất hiện các tình trạng bất thường, nguy hiểm, người mẹ không đủ khả năng mang thai sẽ có chỉ định chấm dứt thai kỳ. Bên cạnh đó, khi khám thai lần đầu tiên, thai phụ sẽ được bác sĩ hướng dẫn một chế độ ăn hợp lý, bổ sung những Vitamin cần thiết để phát triển thai kỳ.
2. Khám thai lần thứ hai – Từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 13
Từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 13 là một trong các cột mốc khám thai quan trọng nhất để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Trong lần khám thai thứ hai này, bạn sẽ được kiểm tra cân nặng, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, đo huyết áp và siêu âm để kiểm tra trình trạng sức khỏe của mẹ lẫn bé sau những tuần phát triển đầu tiên của thai kỳ.
Ở giai đoạn tuần thứ 11 đến 13 này là các giai đoạn khám thai mà người mẹ sẽ được siêu âm 4D để kiểm tra hình thái của thai nhi nằm trong bụng. Lần siêu âm này là để kiểm tra vị trí của thai nhi đang nằm ngoài hay trong cổ tử cung, người mẹ sẽ được biết về số lượng thai là một hay song thai, thai nhi có phát triển bình thường không và dự đoán ngày sinh của em bé.
Bên cạnh những xét nghiệm trên, bác sĩ cũng chỉ định người mẹ cần làm một số những xét nghiệm cần thiết khác như:
- Xét nghiệm Double Test: Siêu âm đo độ mờ da gáy để phát hiện và can thiệp kịp thời trong một số bệnh bất thường về nhiễm sắc thể như bệnh Down, Edward và bệnh Patau.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra các nguy cơ bị thiếu máu ở người mẹ, ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé.
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra và xác định các nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh về thận,…
3. Khám thai lần thứ ba – Từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 24
Từ tuần 20 đến 24, mẹ bầu đã đi được ⅓ quãng đường của chu kỳ thai nhi. Trong khoảng thời gian này, các dấu hiệu của ốm nghén đã dần dần giảm bớt đi, em bé đã có những phát triển nhất định về mặt thể chất. Các bác sĩ có thể dễ dàng dùng các kỹ thuật siêu âm 3D, 4D để kiểm tra hình thái của em bé. Đây là một trong các tuần khám thai quan trọng để mẹ bầu không chỉ thấy được các đặc điểm như chân, tay, mắt, mũi, miệng,… của em bé, mà còn thấy được những cử động chân tay của bé yêu nhà mình. Ngoài ra, người mẹ cần phải được làm kiểm tra kỹ lưỡng để sàng lọc dị tật thai nhi trong thời gian này. Bác sĩ sẽ đo một số các chỉ số phát triển của thai nhi như: đường kính lưỡng đỉnh, khuôn mặt (mắt, mũi, miệng, tai,…), đường kính vòng đầu, tứ chi (chiều dài tay, chân), vị trí dây rốn,…
4. Khám thai lần thứ tư – Từ tuần thứ 30 đến tuần thứ 32
Từ tuần 30 đến tuần 32 là một trong các mốc khám thai định kỳ mà mẹ bầu cần chú ý. Thời điểm này được coi là giai đoạn sắp về đích, thai nhi đã lớn và có đầy đủ các bộ phận trên cơ thể như một con người, những điều bất thường mà ở mốc khám thai 20 – 22 tuần chưa thể phát hiện được thì giai đoạn này đã có thể thấy rất rõ. Ở giai đoạn sắp về đích, bố mẹ cần xây dựng tâm lý sẵn sàng trong việc chuẩn bị công tác sinh nở cho mẹ bầu.
Trên đây là các mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu và gia đình cần phải ghi nhớ để có thể nắm bắt và chăm sóc cho em bé tốt hơn. Hy vọng, bài viết này sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích để bạn không còn bỡ ngỡ qua các giai đoạn khám thai cần thiết nữa nhé!
>> Xem thêm: Những điều cần biết khi mang thai lần đầu – Nên khám thai lần đầu khi nào?